Nếu Hiệu trưởng làm đúng vai trò, khó có chuyện học sinh ngồi nhầm lớp
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận cho rằng nếu Hiệu trưởng thực hiện vai trò giám sát của mình tốt, khó có chuyện ngồi nhầm lớp
Đầu tháng 4, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một số học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đọc viết khó khăn, thậm chí có chữ đọc được, chữ không. Có em đọc, viết còn sai, không thể đọc liền câu mà phải đánh vần từng chữ. Về phần chính tả các em viết sai nhiều. Có em bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài,...
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình và Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ rà soát, tìm hiểu nguyên nhân và báo cáo sự việc học sinh lớp 6 không đọc thông, viết thạo.
Cùng đó, tìm cách động viên, giúp đỡ các học sinh yếu kém; vận động các trường hợp học sinh bỏ học đi học lại.
Việc học sinh học đến lớp 6 nhưng vẫn không đọc thông viết thạo đã gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận, vì sao một học sinh có thể ngồi nhiều năm liền trên lớp mà không hiểu mình vì sao được lên lớp như vậy.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng trường Tiểu học Húc (xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng nếu làm đúng các quy định thì rất khó có thể xảy ra chuyện học sinh ngồi nhầm lớp.
“Trường Tiểu học Húc đóng trên địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và đặc thù học sinh vùng này chủ yếu là học sinh người dân tộc Bru- Vân Kiều.
Học sinh tiểu học ở vùng này không có sự quan tâm đúng mực của cha mẹ, mọi việc học hành của các con đều giao hết cho các thầy cô giáo nên việc giáo dục các em gặp rất nhiều khó khăn.
Để học sinh miền núi đọc được, viết được tiếng phổ thông rất vất vả, tuy nhiên, chúng tôi không để tình trạng học sinh học đến lớp 5 mà vẫn không biết đọc biết viết", cô Thuận chia sẻ.
Cũng theo cô Thuận, tại trường Tiểu học Húc, nhà trường ra quyết định thành lập các tổ đi kiểm tra các lớp.
"Đầu năm, các đoàn ở trường đi kiểm tra, đánh giá và nắm tình hình trong lớp đó có mấy em không biết đọc, không biết viết theo từng lớp. Cuối năm, đoàn kiểm tra lại một lần nữa để đánh giá.
Do vậy, ở trường Tiểu học Húc không có trường hợp học sinh đến cuối cấp (lớp 5) không biết đọc, không biết viết nhưng tình trạng đọc chậm, viết chậm có xảy ra ở một số em, còn đến mức không biết đọc, không biết viết như những bài báo đưa tin xảy ra tại Đồng Tháp thì ở trường tôi không xảy ra", cô Thuận cho biết thêm.
“Nói chung, giáo dục ở vùng khó khăn rất vất vả, nền tảng học sinh yếu kém khiến các giáo viên vất hơn rất nhiều. Mặt bằng chung các em xuất phát điểm thấp. Các em nói tiếng phổ thông còn kém nên việc tư duy ra ngôn ngữ, việc viết của các em có nhiều vất vả hơn trẻ em miền xuôi, vùng phát triển.
Tại trường vẫn có tình trạng một số em có vấn đề về trí tuệ nên đọc chậm viết chậm, một số em không đáp ứng đủ chất lượng để lên lớp nên để ở lại lớp vẫn xảy ra. Chúng tôi tiến hành sàng lọc dần, sàng lọc dần từ lớp 1, lớp 2, em nào kém quá thì không thể cho lên lớp được. Ở trường vẫn có những em học sinh học lớp 2 nhưng tuổi thực thậm chí là lớp 6 lớp 7.
Đầu năm, các giáo viên đều có đăng ký chỉ tiêu, ký cam kết…Tuy nhiên, việc các em học sinh còn kém nên các cô cũng phải chấp nhận vất vả.
Bên cạnh đó, đối với học sinh lớp 5, cuối năm các em sẽ thi học kỳ và có sự giám sát của các thầy cô giáo Trung học cơ sở.
Sau đó, có quá trình bàn giao chất lượng. Nếu chất lượng học sinh kém quá, các thầy cô giáo Trung học cơ sở sẽ không chấp nhận thì các cô giáo Tiểu học cũng không thể chấm các em điểm khá, điểm giỏi hoặc đủ qua được cả.
Hoặc các em không biết đọc, không biết viết, các thầy cô giáo Trung học cơ sở không nhận thì chúng tôi cũng phải chịu. Tất cả đều có giám sát quá trình thi và bàn giao chất lượng".
Nói về vai trò của Hiệu trưởng trong việc để học sinh “ngồi nhầm lớp”, cô Thuận cho rằng:
“Nếu Hiệu trưởng làm tốt vai trò là người giám sát, hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học sẽ không xảy ra tình trạng ngồi nhầm lớp. Các chỉ số kiểm tra đầu năm và cuối năm sẽ đánh giá được chất lượng giảng dạy và phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh.
Sự giám sát, hỗ trợ này sẽ giúp giáo viên hoàn thiện hơn trong công tác giảng dạy, triển khai kế hoạch thực hiện dạy học đảm bảo thời gian và đạt chất lượng cao nhất. Ngoài ra, hiệu trưởng còn giữ vai trò giám sát, giúp phát hiện và điều chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện giảng dạy cho các em học sinh này phù hợp.
Với những em học sinh kém quá, có thể phải chấp nhận các em phải ở lại lớp để giáo dục lại.
Nếu không có quá trình giám sát của Hiệu trưởng thì các thầy cô cứ cho lên lớp, Hiệu trưởng ngồi trên phòng chỉ xem qua báo cáo thì không thể biết được.
Do đó, nếu Hiệu trưởng có sự quan tâm sát sao, nắm tình hình tốt thì khó có việc học sinh không biết đọc, biết viết cứ thế lên lớp”.