Nếu học sinh có một lựa chọn hành xử khác thay vì giơ điện thoại lên
Vụ việc cô giáo cắt tóc học sinh ngay trên bục giảng bị quay clip tung lên mạng đã may mắn kết thúc bằng một cái ôm. Tuy nhiên, câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ, và nhà báo Phạm Gia Hiền chia sẻ với VOVGT.
Một học sinh lớp 7 vì không chấp hành nội quy nhà trường mà nhuộm tóc, đã bị cô giáo cầm kéo cắt một lọn tóc lớn ngay trước lớp. Cô giáo còn bảo học sinh khác ghi hình lại hành động trừng phạt này để gửi tới các phụ huynh của lớp.
Đoạn hình ảnh sau đó được đưa lên mạng xã hội, nhiều người xem được đã bức xúc, phản đối hành động của cô giáo, cho rằng như vậy là xâm phạm thân thể học sinh, và xúc phạm em trước tập thể.
Nhà trường và cô giáo sau đó đã xin lỗi phụ huynh em học sinh bị cắt tóc, cô trò cũng đã ôm nhau làm hòa trước lớp. Việc đáng ra nhỏ, đã thành lớn, và rồi cũng đã hóa nhỏ, nhưng còn khía cạnh khác chưa nói đến - đó là ý thức và thái độ với lẽ phải.
Tôi nhớ lại vụ giáo viên bắt 47 học trò liếm ghế 10 năm trước, hoặc vụ khác, giáo viên bắt cả lớp xếp hàng tát vào mặt một bạn học.
Những thày cô không kiểm soát được cảm xúc bản thân, cư xử lệch chuẩn, xúc phạm thân thể và tự trọng của học sinh, sẽ luôn xuất hiện ở đây ở kia. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước ngành và công luận thôi, nhất là khi bây giờ quay một cái video clip tung lên mạng đã trở thành điều quá phổ biến.
Vấn đề ở đây là nhà trường và phụ huynh đã giáo dục con em thế nào để các em có ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình. Đi học là để tiếp thu kiến thức, phải tuân thủ nội quy trường lớp, kính thầy yêu bạn. Đã đành.
Nhưng thân thể và nhân phẩm bản thân phải luôn gìn giữ. Khi đó, mọi hành vi lệch chuẩn từ bất kỳ phía nào, dù là bạn hay thầy cô giáo, đều sẽ được phản ứng phù hợp và kịp thời.
Nếu nữ sinh và tập thể lớp kia ngay khi cô giáo cầm kéo chuẩn bị cắt tóc, mạnh mẽ phản đối, thì cô chưa chắc cho phép mình làm thế.
Và cứ cho là cô "bốc hỏa" đến mức bột phát cắt tóc học sinh, nhưng ngay sau đó các học sinh phản đối, có thể là bằng cách nhìn thẳng vào cô yêu cầu dừng lại, bỏ ra khỏi lớp và lên phòng hội đồng chẳng hạn, thì sự việc đã không đi quá xa.
Nhà trường và giáo viên sẽ hiểu được rằng các học sinh có nhận thức cao, chỉ có cách chân thành xin lỗi và điều chỉnh hành vi mới có thể trấn an các em. Một mớ tóc bị cắt trên lớp, đổi lại sự hiểu và tôn trọng nhau hơn giữa thày và trò, thì rất đáng.
Nhưng trong nhiều vụ việc bị xúc phạm tinh thần hoặc cơ thể, phần lớn học sinh chọn cách tung đoạn clip lên mạng, thì đó có phải là biểu hiện của phản ứng hay bênh vực bảo vệ bạn không? Hay đó là sử dụng quyền lực mạng, thứ mang lại ảo tưởng nhiều hơn là giải quyết vấn đề.
Còn nếu xem đó là giải quyết vấn đề, thì luôn luôn là sứt mẻ. Sau khi những hình ảnh đáng buồn đã lan truyền khắp chốn, thày trò sẽ nhìn nhau thế nào? Kết thúc năm học liệu có ôm nhau khóc, ghi vào lưu bút những dòng lưu luyến?
Học trò bây giờ hiểu biết sớm, khôn ngoan và cá tính sớm hơn thế hệ trước nhiều. Cái cần làm để giúp các em lớn lên vững chãi, ngoài kiến thức, thì chính là cung cách hành xử văn minh, tự tin. Một lớp học mấy chục học sinh rút điện thoại quay, mà không có lấy một học sinh đứng lên lễ phép nhưng nghiêm khắc nhắc nhở giáo viên, bảo vệ bạn, đấy mới là điều đáng suy nghĩ.
Hôm nay là một mớ tóc bị cắt, ngày mai cắt quần áo học sinh chẳng hạn, mà cũng chỉ quay clip, thì mấy chục năm chỉ có smartphone lên đời, chứ nền giáo dục thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Các phụ huynh cứ thử nghĩ mà xem, nếu con đi học về kể một chuyện như thế xảy ra ở lớp và có 2 cách giải quyết:
1/ Con đã quay clip và đưa lên mạng xã hội.
2/ Con đã lên tiếng bảo vệ bạn, sau đó giáo viên đã xin lỗi, thày trò giải quyết ngay tại phòng giám hiệu rồi vui vẻ ra về.
Phương án nào người làm bố làm mẹ sẽ thấy ổn hơn với sự nhận thức của con mình?
Biết là khó, nhưng quyết tâm từ những điều cơ bản như thế, mới nói chuyện từng bước thay đổi nền giáo dục./.