'Nếu không có những giải pháp bứt tốc, những động lực tăng trưởng mới, GDP giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,7%/năm'
Đây là nhận định của TS. Cấn Văn Lực khi trình bày tham luận tại phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia chiều ngày 19/9.
Chiều ngày 19/9, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 bước vào phiên toàn thể với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trình bày tham luận “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới (đến năm 2025 và hướng đến năm 2030)”.
Theo TS Lực, kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021 (tăng 6%), đang giảm đà, xuống mức tăng 3% năm 2022 và dự báo khoảng 2,1-2,4% năm nay, trước khi tăng trở lại mức 2,4-2,7% năm 2024-2025, nhưng có thể giảm đà tăng trưởng xuống bình quân 1,8% giai đoạn 2022-2030.
Lạm phát (CPI) toàn cầu từ mức bình quân 2,1%/năm giai đoạn 2016-2019 nhảy vọt lên 3,5% năm 2021 đến 8,3% năm 2022, dự báo khoảng 5,5% năm 2023, 3,7% năm 2024 và 3% năm 2025 (hay 4,8%/năm trong giai đoạn này, theo Ngân hàng Thế giới - WB).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang khó khăn hơn rất nhiều, cả bên ngoài lẫn bên trong. Nếu chúng ta không làm gì, theo Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta đang chứng kiến "một thập kỷ mất mát" khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, khoảng 1,8-2%/năm trong giai đoạn 2022-2030, thấp hơn hai giai đoạn trước.
TS Lực và nhóm chuyên gia Ngân hàng BIDV dự báo, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt 5-5,5%; năm 2024 hy vọng tốt lên, ở mức 6% và năm 2025 đạt 6,5%.
"So sánh với nhiệm kỳ trước (2016-2020), Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm, lạm phát trung bình 3,15%/năm; nhiệm kỳ này (2021-2025), nếu chúng ta không có những giải pháp bứt tốc, những động lực tăng trưởng mới, thì chúng tôi dự báo chỉ đạt được tăng trưởng trung bình khoảng 5,7%/năm và như vậy sẽ khó đạt được mục tiêu 6,5%/năm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đặt ra", TS Lực nói.
Nhìn vào những động lực hiện hữu của Việt Nam, ông Lực nói rằng về hướng cung, các động lực đến từ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng rất chậm; chưa bao giờ hai lĩnh vực này chỉ tăng trưởng dưới 2% như hiện nay.
Về hướng cầu, tốc độ nhập khẩu giảm tương đối nhanh so với xuất khẩu, từ đó thặng dư thương mại tốt, tuy nhiên hai trụ cột còn lại là đầu tư và tiêu dùng đang rất thấp.
Vị chuyên gia đề nghị, cần nhấn mạnh cả 3 trụ cột xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó đầu tư công vừa qua làm rất tốt, tăng trên 10%, nhưng đầu tư tư nhân FDI thấp chỉ 1,7 - 2% so với mức 8-12% trước đây, cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tư nhân.
Để củng cố cho quan điểm này, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, lạm phát không đáng lo, dự báo hết 2025 lạm phát ở mức dưới 3,6%, vẫn thấp hơn mức 4% chỉ tiêu Quốc hội giao.
Nói về giải pháp, vị chuyên gia đề nghị bên cạnh việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu thì cần tìm kiếm các động lực mới. Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030.
Theo đó, những động lực tăng trưởng mới bao gồm: động lực từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, động lực đến từ nâng cao năng suất lao động và TFP (hay gia tăng chất lượng), động lực từ khu vực kinh tế tư nhân, động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đưa ra kiến nghị, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu như: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Đây vẫn luôn là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng những tác động từ những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã phần nào làm suy yếu.
Bên cạnh đó, ông Lực nhấn mạnh 6 kiến nghị để thực hiện nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới như sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, TCTD, đấu thầu...), bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm – sandbox), vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức.
Thứ hai, sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia (cùng với chuyển đổi số sẽ góp phần tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng); theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...); tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phối hợp chính sách; đặc biệt sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia có năng suất lao động cao đã làm.
Thứ ba, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; theo đó, cần có đánh giá, rà soát việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay (Trung Quốc vừa thành lập Cơ quan hỗ trợ Kinh tế tư nhân với chức năng chính là thiết kế chính sách, phối hợp chính sách và đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực này...).
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, cần sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050..., trong đó cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế động lực và chế tài cụ thể nhằm thúc đẩy xanh hóa, tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chung tay xanh hóa, chống biến đổi khí hậu...
Thứ năm, xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam; trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng hơn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tận dụng tốt hơn các FTA để tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào một vài đối tác, thị trường...
Cuối cùng, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp vì đây vừa là tài sản quý giá, vừa là cơ sở ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức và giám sát thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.