Nếu không có sự hy sinh
Đến hết ngày 6/6, 450 ngày Bình Thuận không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, đó là kết quả của sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng sự đồng lòng của toàn quân, toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Song điều quan trọng nhất vẫn là những người tự nguyện hy sinh trong cuộc chiến này. Không thể chiến thắng nếu thiếu sự hy sinh.
Nếu không có sự hy sinh
Chưa tới 8 giờ sáng, thời tiết đã oi bức. Càng về trưa và xế chiều, trời càng nắng nóng, đến nỗi ngồi ở trong nhà bật cả quạt và máy lạnh, song vẫn không thoát khỏi cảm giác ngộp thở, khó chịu. Thế nhưng, dưới cái nắng nóng gay gắt 39 - 400C như thiêu, như đốt ấy, hàng vạn “chiến sĩ áo trắng”, “áo xanh” là các y, bác sĩ, nhân viên y tế và nhân viên tình nguyện ở các tỉnh, thành đang phải chạy đua với thời gian, căng mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của nhân loại. Chiều ngày 27/4, Bộ Y tế công bố 5 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Yên Bái (bệnh nhân 2857). Đây là ca nhiễm mới, đánh dấu đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam sau khi liên tiếp 33 ngày nước ta không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ngày 29 - 30/4, Việt Nam có thêm 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng ở các tỉnh Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Kể từ đó đến nay, dịch ngày càng lây lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Số người nhiễm mới trong cộng đồng tăng chóng mặt, đỉnh điểm là ngày 25/5 Việt Nam ghi nhận tới 444 ca dương tính. Bắc Giang, Bắc Ninh là tâm dịch của cả nước. TP. Hồ Chí Minh cũng đã trở thành tâm dịch khi số ca lây nhiễm tăng cao. Các tỉnh, thành khác luôn nằm trong trạng thái báo động trước nguy cơ thường trực hàng ngày. Tính từ ngày 27/4/2021 đến 12 giờ ngày 6/6/2021, Việt Nam ghi nhận tới 5.561 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, con số cao gấp nhiều lần so với 3 lần bùng phát dịch trước đó. Và khi “giặc” Covid-19 bùng phát thì các “chiến sĩ áo trắng, áo xanh” và nhiều lực lượng tình nguyện khác lại lên đường làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đẩy lùi đại dịch nguy hiểm của nhân loại. Họ là các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành trong cả nước. Họ là những cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang, họ là những tình nguyện viên trong mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia phòng chống dịch. Họ dấn thân vào mặt trận không tiếng súng với tất cả “sự hy sinh”. “Không súng đạn, không đổ xương máu”, nhưng cuộc chiến chống “giặc” Covid – 19 của các “chiến sĩ” cũng vô cùng nguy hiểm vì họ có thể bị lây nhiễm dịch bệnh chết người bất cứ lúc nào. Bao khó khăn, vất vả, mồ hôi nước mắt, sự hy sinh thầm lặng của các anh, các chị trong cuộc chiến đầy khó khăn vất vả này không thể đong đếm được. Hẳn, rất nhiều người không khỏi xúc động và thương các y, bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên khi họ phải làm việc quần quật từ sáng tới đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong các khu công nghiệp, người dân trong các khu phong tỏa, cách ly; trắng đêm để chữa bệnh cho người bị nhiễm Covid-19. Trong thời điểm mùa hè nóng nực (ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam), với những bộ đồ bảo hộ bịt kín từ đầu tới chân, các y, bác sĩ vẫn phải căng mình làm nhiệm vụ, quên cả giờ giấc. Dưới cái nắng nóng 39 - 400C như thiêu, như đốt và làm việc thâu đêm, suốt sáng, nhiều người đã kiệt sức, ngất xỉu, nằm vật xuống hành lang, nền nhà. Sau khi được đồng nghiệp hỗ trợ, sơ cứu, uống ly nước cho tỉnh táo, họ lại tiếp tục công việc, chẳng kịp ăn miếng cơm, dù đã được chuẩn bị sẵn. Bởi lúc này hơn 90 triệu dân Việt Nam đang cần họ hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống Covid-19… Đi vào tâm dịch, nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên cũng gác lại sau lưng chuyện gia đình, con cái. Họ đặt lợi ích, sức khỏe của nhân dân là trên hết. Không ít người đã rơi nước mắt khi xem clip ghi lại cảnh một bé gái 20 tháng tuổi òa khóc khi thấy mẹ trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Mẹ bé chính là điều dưỡng Phùng Thị Hạnh ở Hà Nội, đang công tác tạibệnh viện Quân y 103. Chị Hạnh là 1 trong rất nhiều đồng nghiệp được nhận nhiệm vụ vào tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ địa phương này chống Covid-19. Dù nhớ con, nhưng mỗi ngày chị chỉ dám gọi video call một lần, vì cứ mỗi lần gọi, bé lại khóc và khiến chị cũng nghẹn ngào khóc theo… Và nhiều câu chuyện cảm động về sự vất vả, khó nhọc, sự hy sinh thầm lặng mà chị Hạnh cũng như nhiều đồng nghiệp của chị đang “gánh” về mình. Trong chương trình “Tọa đàm: Tấn công dập dịch” trên kênhtruyền hình VTV1 tối 23/5,phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam không khỏi xúc động, nghẹn lời: “Giờ phút này tôi còn được ngồi trong phòng, còn được mặc áo cộc tay. Các bạn ngồi ở truyền hình cũng thế. Nhưng mà ngay giờ phút này, có hàng vạn con người; các “chiến sĩ” cả áo trắng, áo xanh, rồi những người tình nguyện đủ màu áo, nóng như thế này, trong bộ đồ bảo hộ, không ăn không ngủ, như trong lò hơi. Trong rất nhiều phiên họp gần đây, rất nhiều đồng chí 2, 3 tuần nay cũng không được ăn, ngủ yên giấc”… Sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, tình nguyện viên trong cuộc chiến chống Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân là điều mà tất cả chúng ta cần trân trọng. Đáp lại sự hy sinh, vất vả ấy, mỗi người dân cần tuân thủ, nâng cao ý thức, tinh thần phòng chống dịch bệnh là “hậu phương” vững chắc, cho “tiền tuyến” đánh thắng “giặc” Covid-19.
Hôm 5/6, khi Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 tiếp nhận hơn 6.000 tỷ đồng ngay trong ngày ra mắt, có thể khẳng định, toàn dân tộc Việt Nam lại cùng đứng lên trên mặt trận không tiếng súng. Sự đóng góp dù ít, dù nhiều, bằng hình thức nào đi nữa thì đều đáng trân trọng vì đó là ý thức, đó cũng là sự hy sinh những lợi ích riêng để phục vụ cho đất nước, cho dân tộc. Cuộc chiến này có thể còn kéo dài, chúng ta không thể chiến thắng nếu không có sự hy sinh.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/neu-khong-co-su-hy-sinh-138151.html