'Nếu không còn ảo giác, mới tư vấn...'
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán sự phòng chống tệ nạn xã hội, điều phối viên phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Như lời ông Hùng, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, có trường hợp đến tư vấn nhưng vẫn chưa hết 'ảo giác', đứng nói chuyện với ti vi cả buổi chiều.
Là một trong 3 phường đầu tiên thí điểm mô hình “Hỗ trợ, tư vấn, pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” phường Bồ Đề, đã và đang đạt được những kết quả tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho người nghiện ma túy. Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán sự phòng chống tệ nạn xã hội, điều phối viên phường Bồ Đề cho biết, phường Bồ Đề chính thức triển khai ra mắt mô hình thí điểm “Hỗ trợ, tư vấn, pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” vào ngày 29-4.
Từ ngày đi vào hoạt động, đến nay, phường Bồ Đề đã thực hiện chuyển gửi được 13 trường hợp, trong đó, 8 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện 6 tháng tại cơ sở cai nghiện ma túy, 2 trường hợp cắt cơn 20 ngày và 3 trường hợp hiện tại đang điều trị ở BV tâm thần.
Ông Hùng cho biết thêm, công việc của cán sự phòng chống tệ nạn xã hội hết sức khó khăn bởi đây là mô hình mới nên số người nghiện trên địa bàn không thể nắm bắt hết được.
“Chúng tôi có 9 người trong một đội tình nguyện và được phân chia đi các địa bàn điều tra. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên đi trực tiếp địa bàn, đến nhà những người nghiện ma túy để nắm bắt tâm tư và tuyên truyền đối với họ và gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyên truyền qua các kênh như đài truyền thanh, kênh của phụ nữ, các chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để giúp đỡ tư vấn cho người nghiện”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trong thời gian công tác của mình, ông từng gặp nhiều trường hợp sử dụng ma túy đá, cỏ Mỹ dẫn tới ảo giác khác nhau, không ai giống ai. Ví như có trường hợp đứng chống tay vào bàn rồi nói chuyện với ti vi từ 13g đến 16g chiều. Trường hợp khác thì tự dùng dao lam rạch lên tay mình bởi chứng ảo giác của thanh niên đó là thích nhìn thấy máu, còn trường hợp khác thì chạy loạn cả lên… “Mỗi khi có trường hợp thanh niên đến tư vấn, tôi phải nhận định được thanh niên đó còn ảo giác hay không. Nếu không còn ảo giác hoặc ảo giác nhưng vẫn làm việc được thì tôi sẽ tư vấn. Còn trường hợp ảo giác không thể làm việc được thì tôi để thanh niên đó ngồi vào một góc rất xa mình và góc đó không có đồ đạc gì. Đợi đến khi thanh niên đó hết ảo giác thì tôi sẽ làm việc”, ông Hùng thông tin.
Điều ông Hùng lo lắng nhất là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sử dụng chất hướng thần và ma túy tổng hợp gây ảo giác. “Trên địa bàn tôi có một trường THPT, hai trường THCS khiến tôi rất lo lắng vì phường đã từng phối hợp với nhà trường bắt được học sinh mang cỏ Mỹ vào trường để sử dụng. Rất may, lực lượng bắt được sớm, các em học sinh chưa kịp hút”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, không chỉ khó khăn trong việc tuyên truyền đến các cháu học sinh tác hại của việc sử dụng ma túy mà hiện nay, rất nhiều chất hướng thần, gây nghiện vẫn chưa đưa vào danh mục cấm. Ngoài ra, khi sử dụng que thử để test các chất ma túy này không lên và báo âm tính. “Tôi hy vọng, cơ quan chức năng cần sát sao hơn và sớm đưa các chất hướng thần, gây nghiện mới vào danh mục cấm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/neu-khong-con-ao-giac-moi-tu-van-155454.html