Nếu muốn một tòa nhà xanh hơn, đừng phá đi xây lại

Trong lúc các tòa nhà mới xây đáp ứng đủ các tiêu chí 'xanh' được cả thế giới ca ngợi, giới chuyên gia cho rằng việc cải tạo các tòa nhà sẵn có mới là điều tốt nhất cho môi trường.

 Việc cải tạo các căn nhà cũ phát thải ít carbon hơn xây mới. Ảnh: Reuters.

Việc cải tạo các căn nhà cũ phát thải ít carbon hơn xây mới. Ảnh: Reuters.

Các tòa nhà bền vững với môi trường không cần thiết phải xây dựng từ móng. Trên thực tế, việc cải tạo các tòa nhà có sẵn - dù chúng xấu xí và cổ lỗ đến đâu - sẽ đem lại nhiều lợi ích cho việc giảm phát thải carbon hơn vì chúng đã trải qua giai đoạn xây dựng cơ bản.

“Dù bạn thay thế một tòa nhà cũ với một tòa nhà mới có khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả, tác động của việc xây nhà có thể mất tới 50-80 năm để bù đắp”, ông Ian Zapata, chuyên gia tại hãng kiến trúc Gensler, nói với Wired.

Cải tạo vì môi trường

Vào lúc hàng loạt bất động sản văn phòng bị bỏ không khi các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức hoạt động sau đại dịch Covid-19, một số thành phố đang khuyến khích cải tạo các tòa nhà sẵn có cho mục đích mới - bao gồm chuyển đổi văn phòng thành nhà ở tại những nơi không còn sầm uất như xưa.

Những dự án cải tạo quy mô lớn có thể chỉ phát thải carbon bằng 50%-75% dự án xây mới hoàn toàn, ông Zapata cho biết. Tuy nhiên, không phải lúc nào đây cũng là điều dễ dàng và tiết kiệm chi phí.

Một số kiến trúc tương đối khó chuyển mục đích sử dụng. Ví dụ, một tòa văn phòng giữa bốn bức tường bê tông sẽ cần thêm nhiều cửa sổ để có thể cho gia đình sinh sống.

Tuy nhiên, việc phá đi xây mới từ đầu còn gây ra thiệt hại lớn hơn, cả về tài chính lẫn tới môi trường. “Mọi người cần chấp nhận rằng họ sẽ phải mất tiền để giữ lại giá trị nào đó”, ông Uwe Brandes, Giám đốc chương trình quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng tại Đại học Georgetown, nói.

Việc tái sử dụng sẽ là điều tốt nhất với môi trường do các vật liệu chủ chốt để làm nên một tòa nhà - từ bê tông, thép tới gỗ - đều phát thải carbon trong khâu khai thác, chế biến, vận chuyển và lắp đặt.

Khi một tòa nhà bị phá hủy và xây mới, toàn bộ lượng phát thải này sẽ lặp lại thêm một lần. Bên cạnh đó, quá trình phá hủy cũng tiêu tốn năng lượng và gây phát thải khí nhà kính.

 Phá hủy và xây mới công trình gây ra lượng phát thải carbon lớn. Ảnh: AP.

Phá hủy và xây mới công trình gây ra lượng phát thải carbon lớn. Ảnh: AP.

Nhờ các phần mềm như OneClick LCA hay EC3, giới kiến trúc sư giờ đây có thể tính toán lượng phát thải có thể giảm thiểu nếu không xây dựng tòa nhà mới từ đầu.

Bên cạnh đó, trong trường hợp công trình cũ không thể cứu vãn, các phần mềm cũng có thể lên kế hoạch tận dụng các vật liệu cũ vào ngôi nhà mới.

Một số kiến trúc sư châu Âu theo đuổi học thuyết coi các tòa nhà như “ngân hàng vật liệu” - tức nơi dự trữ vật liệu để sử dụng cho tương lai. Do đó, nhiều công trình giờ đây được thiết kế để có thể dễ dàng phá bỏ hơn, giúp tận dụng tối đa nguồn vật liệu cũ cho tòa nhà mới.

Giữ lại công trình cũ

Giờ đây, nhiều tòa nhà tại Mỹ đã đạt tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) - giấy chứng nhận được Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC) cấp cho các công trình xây dựng đủ “xanh”.

Đạt tiêu chuẩn LEED cho thấy tòa nhà đó có thể không “mới hoàn toàn”, bao gồm được cải tạo từ một công trình cũ.

Theo bà Susan Piedmont-Palladino, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Washington-Alexandria tại Đại học Công nghệ Virginia, để các công trình bền vững hơn với môi trường, tư duy của con người cần thay đổi.

“Nếu càng có nhiều người coi kiến trúc là ‘xu hướng’ hay ‘thời trang’, tình hình càng nguy hiểm. Vấn đề với quy hoạch đô thị cũng tương tự”, bà chỉ ra.

Thư viện Martin Luther King ở Washington (Mỹ) là một ví dụ. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Ludwig Mies van der Rohe từ thập niên 60 của thế kỷ trước, thư viện này từng được coi là biểu tượng cho phong cách của vị kiến trúc sư.

Tuy vậy, tới đầu những năm 2000, thư viện bị các thủ thư và độc giả than phiền vì các không gian tối tăm, chật chội và không thể sử dụng. Khi tòa nhà được đề xuất cải tạo, nhiều cư dân Washington thậm chí đòi phá thư viện đi để xây mới hoàn toàn.

 Thư viện Martin Luther King ở Washington. Ảnh: Washington Post.

Thư viện Martin Luther King ở Washington. Ảnh: Washington Post.

Bà Piedmont-Palladino phản đối ý tưởng này trên cả phương diện môi trường lẫn thẩm mỹ. “Mies là một người khó có thể yêu thích. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên thực sự phá hủy dự án biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại tại Washington hay không?”, bà nói.

Cuối cùng, tòa nhà không bị phá hủy. Sau khi cải tạo, thư viện trông tương đối mới và sáng sủa. Các kiến trúc sư đã thêm cửa sổ, gỗ và các đường cong, giúp tòa nhà ấm cúng hơn. Tuy vậy, mặt tiền của tòa nhà - và cả lượng carbon ẩn chứa bên trong - vẫn được giữ lại.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/neu-muon-mot-toa-nha-xanh-hon-dung-pha-di-xay-lai-post1440999.html