Nếu muốn tạo ra Alibaba, Weibo, Việt Nam phải vươn ra toàn cầu

Muốn sớm có hệ sinh thái điện tử, hãy bắt đầu từ cách nghĩ của thời 4.0.

Hai mươi năm trước tôi từng đi xin giấy phép để vận hành hệ thống thu tín hiệu vệ tinh (VSAT) cho VP World Bank ở Hà Nội. Người phụ trách bên Cục Vô tuyến đã hỏi tôi, Trung Quốc làm như thế nào. Tôi phải về VP alo và nhờ các đồng nghiệp Bắc Kinh gửi tài liệu sang chứng tỏ nước bạn đã cấp rồi, không vấn đề gì, khi đó bên ta mới đi những bước đầu tiên nhỏ giọt.

Tôi cứ băn khoăn mãi, sao phải hỏi Trung Quốc, sao ta không tự thay đổi. Não trạng phải hỏi người khác khó có sức sáng tạo, bởi mỗi quốc gia, mỗi châu lục có hoàn cảnh địa chính trị khác nhau.

Trong giáo dục người ta nói vui, Trung Quốc giáo dục công dân của họ nghĩ về cội nguồn, Hoa Kỳ đào tạo thế hệ trẻ nghĩ đến toàn cầu.

Dù đi khắp bốn phương nhưng du học sinh Trung Quốc luôn nghĩ về quê cũ, đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu. Nhưng du sinh một số nước phát triển như Mỹ thường bay trên không trung thấy “điểm đen” ở đâu cần giúp đỡ là họ tới. Sống thế mới có chuyện Bill Gates bỏ cả nửa tỷ đô la giúp trẻ em châu Phi được tiêm chủng miễn phí.

Để sử dụng hiệu quả công nghệ mới, nhất là nghĩ về 4.0, cần tư duy quản lý mới.

Trung Quốc với 1,4 tỷ dân thì cánh IT của họ chỉ cần làm ra sản phẩm cho dân đủ dùng sẽ giàu như Bill Gates hay Steve Jobs. Thị trường Hoa Kỳ hơn 300 triệu dân dù là nơi tiêu thụ lớn nhưng không thể so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Các tên tuổi như Baidu, Weibo, Alibaba kể cả China-Internet đóng cửa với thế giới vẫn sống ngon vì quốc gia này ngang tầm một châu lục.

Nếu Việt Nam muốn tạo ra Alibaba hay Weibo thì phải vươn ra toàn cầu.

Nhìn những con số thống kê như Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư và áp dụng công nghệ kỹ thuật số lớn nhất thế giới, và là quê hương của 1/3 số công ty khởi nghiệp kỳ lân trên thế giới, thì bạn đừng choáng. Họ không làm được mới là điều đáng bàn.

Có một điều nên học họ, đó là xã hội cần số hóa, cần có những hệ sinh thái nền tảng như bộ ba Baidu, Alibaba và Tencent, hay còn gọi là BAT, mà Trung Quốc đang sở hữu.

Trung Quốc tư duy theo “châu lục” Trung Quốc và thêm chút khu vực, Mỹ theo toàn cầu. Thế thì Việt Nam ở đâu? Ở ngay xứ mình và thêm chút ASEAN là ăn đủ.

Mạng Viettel đã lan tỏa Đông Dương vươn sang Myanamar, tại sao các dịch vụ khác đi theo chưa lan tới được các quốc gia này như Shopee của nước khác đang làm mưa làm gió ở Hà Nội và Tp HCM dựa trên Viettel hay FPT. Chỉ là đặt cáp, bán mobile và thu tiền thì chưa đủ. Ứng dụng chạy trên đó giúp cho ứng dụng thương mại điện tử nhanh hơn, tiện hơn, thì chắc chắn kết quả sẽ khác.

Ta không thiếu nguồn nhân lực, ta không dốt tiếng Anh, ta không thiếu người giỏi IT và toán học, nhưng cần tạo dựng môi trường để họ phát triển bền vững và lành mạnh. Môi trường chưa tốt thì chưa thể hệ sinh thái IT tốt đẹp.

Để sử dụng hiệu quả công nghệ mới, nhất là nghĩ về 4.0, cần tư duy quản lý mới. Để áp dụng 4.0 hay IoT trong thế kỷ 21 thì các nhà chiến lược và quản lý phải nghĩ khác. Để áp dụng công nghệ động cơ điện thì các ông giám đốc nhà máy phải nghĩ đến đường dẫn điện, hệ thống sản xuất bằng năng lượng điện.

Và hôm nay cũng thế. Để cho công nghệ số trở thành cần câu cơm thì ngoài chuyện cần công nghệ và các tài năng, xã hội cần cách suy nghĩ khác với tư duy thế kỷ 20.

Một ví dụ trong thành công sản xuất phần mềm trong kỷ nguyên số là phương pháp Agile khá đơn giản, có tới 71% các tổ chức áp dụng. Đó là phát triển trên nền tảng liên kết chặt chẽ với người dùng, tìm hiểu nhu cầu của họ và dựa vào đó phát triển phần mềm mà khách hàng cần.

Điều đó trái ngược với các ông IT cuối thế kỷ 20 mải mê lập trình, rồi mang đi bán mà không biết khách hàng có nhu cầu hay không.

Sự sáng tạo và tư duy kiểu Agile cần một tầm nhìn. Nhưng thống kê toàn cầu cho hay khi khảo sát hơn 800 nhà quản lý cao cấp, thì có tới 50% nói rằng các lãnh đạo của họ không có tầm nhìn và đam mê để cho sáng tạo công nghệ mới nhất được áp dụng.

Muốn sớm có hệ sinh thái điện tử, hãy bắt đầu từ cách nghĩ của thời 4.0.

Hiệu Minh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/blog/neu-viet-nam-muon-tao-ra-alibaba-hay-weibo-phai-vuon-ra-toan-cau-473402.html