Nếu Ngành Y tế mà vẫn để tham nhũng hoành hành thì lỗi thuộc về ai?
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cần phải ràng buộc trách nhiệm của cơ quan giám sát để tránh tình trạng đến khi mọi việc vỡ lở, hậu quả đã quá lớn khi đó mới đưa ra xử lý.
Phòng chống tham nhũng trong đó có công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế thời gian qua có nhiều cú đánh mạnh vào các nhóm lợi ích, các đường dây tội phạm một cách có hệ thống.
Kết quả là đã phơi bày ra rất nhiều mặt trái của ngành này mà nhất là vụ việc liên quan đến kit test xét nghiệm COVID-19 của Việt Á.
Nhiều người thực sự thất vọng khi hình ảnh những cán bộ y tế đeo còng số 8 dần trở nên quá quen thuộc trên các trang báo và mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Chống tham nhũng cần nhiều biện pháp tổng thể.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao tham nhũng trong ngành y lại nhiều đến thế, càng chống lại càng thấy tham nhũng nhiều hơn.
Vấn đề đặt ra là nếu các năm tiếp theo tham nhũng vẫn hoành hoành trong ngành Y tế thì ai phải chịu trách nhiệm. Bởi, hệ lụy mà những vụ việc tham nhũng mang trong ngành y gây họa cho xã hội là rất lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về nguyên nhân tham nhũng nhiều trong ngành Y tế, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, trước hết là do vấn đề quản lý yếu kém.
“Rõ ràng là quản lý sơ hở mới dẫn đến chỗ tham nhũng hết chỗ nọ đến chỗ kia.
Từ chính sách nọ đến chính sách kia bị xâm hại. Việc xây dựng chính sách không phù hợp, sơ hở nên dễ tham nhũng như vấn đề đấu thầu thuốc” – ông Nhưỡng nêu ví dụ.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng cán bộ ý thức pháp luật, đạo đức kém cũng là nguyên nhân. “Kim ngân phá lề luật, lợi ích nhóm.... Trong vấn đề y tế thì lợi ích nhóm nhiều, có thể nói nhiều cán bộ lợi dụng vị trí để tham nhũng.
Tòa án từng nhận định, quá trình thực hiện nhập khẩu thuốc H-Capita (thuốc điều trị ung thư giả) rõ ràng các bị cáo có cấu kết chặt chẽ” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Ngoài ra theo chuyên gia này thì công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra không vào cuộc kịp thời.
Lẽ ra song song với việc triển khai các hoạt động mua sắm là công tác giám sát phải làm ngay, có gì uốn nắn để tránh sai sót.
“Hiện nay đang có tình trạng chạy theo vụ việc, đáng lẽ nếu chặt chẽ từ đầu thì hậu quả sẽ không trầm trọng đến vậy.
Để cho sai phạm như "ung thư" di căn, đã quá lâu nên khi bung bét ra thì hậu quả lại quá lớn” - Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Trong chống tham nhũng ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải ràng buộc trách nhiệm đối với những cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, đôn đốc, quản lý.
“Xét về mặt đường lối, quan điểm, pháp luật thì ở trong phạm vi giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý của ai thì nơi đó phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất” – ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Cũng theo vị này, đối với nội bộ ngành Y tế thì ông Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra trong nội bộ ngành tham nhũng tràn lan.
Ngoài ra, các cơ quan khác cũng phải chịu trách nhiệm ngay cả Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện…cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy tham nhũng trên địa bàn của mình.
“Tóm lại tham nhũng xảy ra ở đâu thì người chịu trách nhiệm giám sát cũng phải chịu trách nhiệm liên đới kể cả Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân các cấp.
Vì tất cả đã được giao nhiệm vụ giám sát tại các địa bàn, khu vực. Có như vậy mới không hết tình trạng không đôn đốc, không quan tâm nghe ngóng những việc làm của cấp dưới” – ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất.
Ngoài ra theo ông Lưu Bình Nhưỡng thì cần hoàn thiện về thể chế về công tác phòng chống tham nhũng. Việc này Bộ Chính trị cũng đã nêu, tăng cường hoàn thiện thể chế cho đến cơ chế hoạt động, công tác cán bộ và mở rộng đánh tham nhũng ra khu vực tư.
Đặc biệt, trong thời gian tới cần kiện toàn hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương. Tránh tình trạng đưa người tham nhũng vào vị trí phòng chống tham nhũng…
Như vậy qua trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng có thể thấy muốn ngăn chặn tham nhũng trong ngành Y tế thì cần phải có nhiều biện pháp thực hiện cùng lúc, trong đó tăng cường công tác thanh tra, giám sát và vào cuộc từ sớm để tránh tham nhũng lan sâu, gây hậu họa lớn đối với tài sản và sức khỏe của người dân.