Nếu nghỉ việc thời gian dài mà không có chỗ nào gọi đi làm, bạn tính sao?
Đây có lẽ là tình huống đáng sợ nhất sau khi một người quyết định nghỉ việc.
Tình hình khan hiếm việc làm đang khiến nhiều người lo lắng, nếu không giữ được bình tĩnh, bạn hoàn toàn có thể bị “làn sóng” thất nghiệp nhấn chìm. Và rất nhiều người trẻ cho biết họ đã nghỉ việc một thời gian dài, ban đầu cũng có vài công ty gọi đi phỏng vấn nhưng công việc không phù hợp, kết quả là thời gian kéo dài, tiền tiết kiệm đã cạn, không còn nơi nào liên hệ với họ nữa.
Vậy, nếu rơi vào tình huống này bạn sẽ làm gì? Những người đã nghỉ việc và một thời gian dài không ai gọi đi làm, họ đang sống thế nào? Hãy lắng nghe chia sẻ từ người trong cuộc.
Bỏ sĩ diện xuống, đi làm thu ngân ở siêu thị
Mai Trang (23 tuổi, sống tại TP.HCM) từng là một kế toán. Sau khi tốt nghiệp và đi làm được khoảng 1 năm đúng chuyên ngành, cô nàng nghỉ việc. Đi làm chưa lâu nên chỉ một thời gian ngắn sau khi nghỉ việc, tiền tiết kiệm của Trang cạn dần trong khi hàng ngày vẫn phải chi tiêu, hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà. Vì vậy cô quyết định đi làm thu ngân ở một siêu thị.
“Công việc khá vất vả, phải đứng liên tục nhiều tiếng đồng hồ nhưng ít nhất là mình vẫn có việc để làm. Nghĩ một cách tích cực nữa thì công việc này giúp mình học được cách bỏ sĩ diện xuống, thực sự hiểu được giá trị của lao động chân chính. Trong lúc đó mình vẫn sẽ cố gắng tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành” - Mai Trang tâm sự.
Sẵn sàng chạy bàn, bưng bê nếu thất nghiệp bị động
Đình Bắc (27 tuổi đang sống tại TP.HCM) chưa nghỉ việc nhưng trước tình hình kinh tế và thị trường lao động khó khăn như hiện tại, anh chàng cũng tính đến tình huống xấu nhất:
“Nếu nghỉ việc bị động và trong vòng 20 ngày - 1 tháng mà không tìm được việc mới thì bằng mọi giá, mình sẽ đi tìm một công việc nào đó, kể cả chạy bàn, bưng bê hay bán hàng rong. Vì khi đã nghỉ việc bị động thì mình không được để mất kiểm soát tài chính, nếu không sẽ không còn sáng suốt nữa. Nói dễ hiểu là cái bụng còn đói thì cái đầu không nghĩ xa hơn chuyện miếng ăn được”.
“Ế” việc quá thì làm ít lại, có thời gian giúp vợ việc nhà, chơi với con
Trong khi đó, nhiều người kiên trì theo đuổi công việc đúng ngành nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cụ thể như giảm yêu cầu với công việc, chấp nhấp nhận mức lương thấp hơn đồng thời tăng kỹ năng của bản thân.
Vì chuyển về thành phố nhỏ để sinh sống, cơ hội việc làm trong lĩnh vực phần mềm của Quang Minh (30 tuổi, sống tại Cần Thơ) cũng bị thu hẹp lại. Sau khoảng 2 tháng không tìm được việc làm văn phòng bình thường, anh chuyển hướng, trở thành một freelancer và làm việc từ xa:
“Nhiều công ty cần tiết kiệm chi phí như thuê mặt bằng, dịch vụ,... nên thuê nhân sự làm việc từ xa và làm theo dự án. Tất nhiên làm như vậy thì phải chấp nhận mức lương thấp hơn, sẽ không có nguồn thu cố định hàng tháng nhưng bù lại tôi có thời gian giúp vợ việc nhà, chơi với con”.
Đi học thêm kỹ năng mềm, kiến thức trong thời gian chờ việc mới
Còn Hồng Nhung (25 tuổi, hành chính nhân sự), sau khi nghỉ việc vào hồi tháng 3 vừa qua, cô liên tiếp bị từ chối khi đi phỏng vấn nhưng vẫn đang tiếp tục nộp CV. Cô chọn cách này vì tin rằng sẽ tìm công việc theo đúng mong muốn.
“Mình nghỉ việc chủ động và có chuẩn bị từ trước khi nghỉ. Dù chưa bao giờ thấy tìm việc khó như bây giờ, tài chính của mình không dư dả nhưng đủ sức gồng gánh trong một thời gian nên vẫn đang chờ cơ hội tốt hơn. Nhân dịp này mình cũng đi học thêm một ít kiến thức và kỹ năng mà mình nghĩ là cần thiết” - Nhung tâm sự.