Nếu Nord Stream 2 bị hủy, Mỹ có thể bù đắp thiếu hụt khí đốt cho Đức?
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington cùng đồng minh sẽ tìm cách chặn đứng dự án Nord Stream 2 nếu Nga tấn công Ukraine.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Mỹ khẳng định chính quyền Washington đang tìm kiếm các nguồn cung năng lượng cho châu Âu để bù đắp lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga sang Đức bị thiếu hụt nếu các nước phương Tây áp đặt trừng phạt với Nga vì vấn đề Ukraine.
Tổng thống Mỹ khẳng định Washington có thể bù đắp một phần đáng kể lượng khí đốt thiếu hụt.
Tuy nhiên, ngày 10/2, trao đổi với Sputnik, nhà ngoại giao Canada Patrick Armstrong cho biết: “Động thái hủy Nord Stream 2 sẽ chỉ khiến Nga tổn thất về tài chính, một lượng khá lớn, nhưng sẽ thực sự làm tổn thương Đức. Và, nguồn khí đốt từ Mỹ không thể đủ để cân bằng”.
Theo chuyên gia Canada, Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang phải đối mặt với vấn đề mà họ không hề mong muốn. Và nguyên nhân chính là do Đức đã quá phụ thuộc vào Mỹ trong suốt hơn ¾ thế kỷ qua, đến mức các lãnh đạo nước này không thể làm khác.
Do đó, Đức đã bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về năng lượng khi lãnh đạo Mỹ luôn hiểu sai ban lãnh đạo và chính sách của Nga, ông Amstrong nói thêm.
Trong lúc đó, từ phía Nga, Moscow khẳng định không vô cớ tấn công Ukraine nhưng sẽ động thủ nếu Ukraine tấn công Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Phản ứng đó đã buộc các lãnh đạo Đức phải giải bài toán cân bằng đầy phức tạp.
Hãng tin Sputnik dẫn lời sử gia và cựu sĩ quan quân đội Mỹ Thượng tá Doug Macgregor cho rằng Thủ tướng mới nhậm chức của Đức Olaf Scholz khả năng sẽ không tác động nguy hiểm tới quan hệ thương mại và ngoại giao giữa Đức và Nga.
“Dường như, Thủ tướng Đức sẽ không tạo thêm rủi ro với Nord Stream 2 vì nước này có quan hệ kinh tế tích cực lâu dài với Moscow. Nếu gây tổn hại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Đức trong vấn đề giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân”, theo ông Macgregor.
Tuy nhiên, vì Thủ tướng Đức mới nhậm chức nên cũng không muốn làm tổn hại tới quan hệ với chính quyền ông Biden, nhà sử học Macgregor nhận định.
Nord Stream 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, đã hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng đến nay chưa thể đi vào hoạt động vì còn vướng mắc thủ tục pháp lý ở Đức và liên minh châu Âu.
Ngay từ khi bắt đầu, dự án này luôn phải đối mặt sự phản đối từ Mỹ cùng nhiều quốc gia chuyên về trung chuyển khí đốt như Ukraine và Ba Lan. Trong đó Washington e ngại Moscow dùng Nord Stream 2 làm công cụ chính trị gây áp lực với Đức - đồng minh của Mỹ còn hai nước Ukraine, Ba Lan lo ngại mất hu nhập từ tiền phí trung chuyển của các dự án đường ống khí đốt hiện tại.