Nếu ông Biden thành Tổng thống Mỹ, châu Á sẽ như thế nào trong Bidenomics?
Các nhà phân tích đã bắt đầu đưa ra những phân tích về chính sách kinh tế của ứng cử viên đối thủ với Tổng thống Mỹ Trump, được gọi là'Bidenomics'.
Dựa vào kết quả các cuộc thăm dò, không ít người cho rằng, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden rất có khả năng - dù chưa thể chắc chắn - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới đây.
Cũng giống như việc Chính quyền Tổng thống Trump dành phần lớn thời gian trong 4 năm qua để xóa bỏ di sản kinh tế và xã hội của chính phủ tiền nhiệm, Chính quyền mới của nước Mỹ nếu do ông Biden lãnh đạo cũng có thể sẽ xóa bỏ rất nhiều chính sách thời Tổng thống Trump, từ các khoản thuế và trợ cấp cho tới các quy định, chính sách thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Tăng thuế, tăng chi tiêu
Nếu thắng cử, Chính quyền của ông Biden có thể sẽ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, phần nào đảo ngược chính sách giảm thuế (từ 35% xuống 21%) mà Chính quyền Tổng thống Trump đã thực thi vào năm 2017 và tăng thuế suất tối thiểu đánh vào lợi nhuận thu được từ công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ. Chính quyền ông Biden cũng có thể sẽ áp thuế phụ ở mức 10% đánh vào lợi nhuận mà các công ty Mỹ ở nước ngoài thu được từ hoạt động bán hàng trở lại Mỹ.
Về thuế thu nhập cá nhân, Chính quyền ông Biden có thể sẽ đảo ngược chính sách cắt giảm thuế đối với những người có thu nhập hơn 400.000 USD/năm và thậm chí sẽ đánh thuế lợi nhuận và cổ tức đối với những cá nhân có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm.
Đối với các nền kinh tế châu Á, đây có thể là một tín hiệu tốt ít nhất là trên hai khía cạnh. Nền kinh tế Mỹ sẽ hấp thụ thêm nhiều hàng nhập khẩu, mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu châu Á. Thâm hụt và nợ công ngày càng gia tăng ở Mỹ, phần lớn được Fed chuyển đổi thành tiền tệ, cũng có thể tác động tiêu cực tới đồng USD và điều này sẽ làm giảm sức ép đối với nguồn dự trữ USD của các nền kinh tế mới nổi, cho phép họ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp, qua đó hỗ trợ cho sự phục hồi của các nền kinh tế này.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đề xuất của ông Biden về tăng thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ và đánh thuế lợi nhuận ngoài nước sẽ ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ mở rộng ra nước ngoài. Một chương trình “Mua hàng Mỹ” với quy mô lớn - một mục tiêu chính sách được phe Dân chủ ủng hộ và ông Biden chú trọng, về cơ bản là một chiến dịch thay thế hàng nhập khẩu, chắc sẽ tác động tiêu cực tới các nhà xuất khẩu châu Á.
Vẫn cứng rắn về thương mại?
Vấn đề được các quốc gia châu Á (và các quốc gia khác) đặc biệt quan tâm là chính sách thương mại của Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden. Theo cương lĩnh của đảng Dân chủ, Chính quyền của ông Biden sẽ không kích động “các cuộc chiến thuế quan đơn phương, tự mình hại mình” - điều này có thể đồng nghĩa với một giai đoạn đảo ngược các mức thuế mà đương kim Tổng thống Trump đã đưa ra đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như từ Liên minh châu Âu và các nước khác.
Mặc dù vậy, Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ tỏ ra cứng rắn hơn trong thương mại so với Chính quyền Obama, nhất là đối với Trung Quốc; đảng Dân chủ hiện nay không kém phần hiếu chiến so với Chính quyền ông Trump trong vấn đề chính sách thương mại với Trung Quốc.
Cương lĩnh của đảng Dân chủ cam kết “bảo vệ người lao động Mỹ khỏi các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, trong đó có việc thao túng tiền tệ và hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái với đồng USD, các khoản trợ cấp bất hợp pháp và trộm cắp tài sản trí tuệ”. Tuy nhiên, Chính quyền ông Biden sẽ sử dụng các cơ chế khác để thực hiện điều này, có thể là liên kết với EU và một số nước châu Á nhằm chung tay thúc đẩy Trung Quốc ứng xử “có đi có lại” trong thương mại, thay vì hành động đơn phương.
Chính quyền tương lai của ông Biden cũng có thể tìm kiếm một cách tiếp cận tập thể nhằm đối phó với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei. Về vấn đề này, nhiều nhân vật trong đảng Dân chủ và Chính quyền ông Trump có chung mối nghi ngờ xoay quanh những rủi ro an ninh.
Do có thiện cảm hơn với thể chế đa phương, ông Biden có thể tiếp thêm sinh lực cho WTO bằng cách đề cử thẩm phán vào cơ quan phúc thẩm của WTO. Một WTO được tiếp thêm sinh lực sẽ nhận được sự hoan nghênh của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhưng đặc biệt là các nước nhỏ hơn. Bởi họ có thể lấy lại ảnh hưởng đòn bẩy ở mức độ nào đó trong các tranh chấp thương mại của họ với các cường quốc kinh tế.
Mỹ cũng có thể sẽ tham gia trở lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 11 quốc gia ký kết hiệp định này vốn là các bên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã không còn là thành viên từ năm 2017 sau quyết định của Chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, quyết định này có thể sẽ đi kèm với một số điều kiện, điều sẽ làm hài lòng nhóm cử tri nền tảng ủng hộ đảng Dân chủ.
Chính quyền của ông Biden cũng có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận cộng tác nhằm đối phó với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Cuối cùng, Chính quyền ông Biden sẽ không phải là Chính quyền Obama 2.0. Họ sẽ thiên tả nhiều hơn, ủng hộ mở rộng tài khóa và các quy định, đồng thời thận trọng và chủ động hơn trong lĩnh vực chính sách thương mại. Tuy nhiên, sau 4 năm Trumpenomics bao trùm nước Mỹ, Bidenomics được cho là sẽ mở ra một cách tiếp cận ổn định, dễ đoán và đa phương hơn đối với việc hoạch định chính sách kinh tế.
(theo Straits Times)