Nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC
hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ về cháy nổ dịp cuối năm, bên cạnh các hoạt động chuyên ngành của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở; người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ.
Nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền tại cơ sở nhằm khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác PCCC (Ảnh minh họa)
Hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp, nhà xưởng, trung tâm thương mại... chưa thật sự coi trọng công tác phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ ở nhiều nơi còn mang tính đối phó, sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra thì không duy trì nghiêm túc các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Những tháng cuối của năm, thị trường hàng hóa tăng độ biến nên các loại hình nhà ở, hộ gia đình kết hợp hộ kinh doanh càng có nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau các chủ cơ sở, hộ gia đình vẫn chủ quan với những cảnh báo, quy định của cơ quan chức năng.
Đặc biệt tại Hà Nội và nhiều đô thị lớn trên cả nước có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu khiến xe cứu hỏa khó tiếp cận khi xảy ra xử cố cháy nổ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC tại nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình về công tác PCCC.
Chưa chủ động, thường xuyên thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra, có nơi coi công tác kiểm tra về PCCC là của lực lượng Cảnh sát PCCC. Chưa quan tâm đầu tư, trang bị và các điều kiện đảm bảo cho an toàn PCCC, công tác xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết.
Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5438/UBND-NC yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác PCCC.
Cụ thể, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng pháp luật về PCCC, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp; các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC.
Thực hiện nghiêm túc pháp luật về PCCC, chức năng quản lý nhà nước về PCCC ở địa phương theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm ở cấp, từng ngành, từng đơn vị. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất xen kẽ trong khu dân cư...
Công an thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, phân công, phân cấp Công an cấp huyện, cấp xã tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH tại địa phương. Đảm bảo 100% khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình 1 kết hợp sản xuất, kinh doanh, các loại hình cơ sở (ngoài danh mục cơ sở do cơ quan Cảnh sát PCCC được giao trực tiếp quản lý theo quy định của Chính phủ) trên địa bàn phải được quản lý, theo dõi về công tác PCCC theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả công tác PCCC&CNCH trong phạm vi, thẩm quyền quản lý, phụ trách. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị liên hệ về Công an thành phố để được hướng dẫn.
Công tác PCCC là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó vai trò trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng trong việc tổ chức phòng ngừa và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về sinh mạng, tài sản…