Nếu thịt trăn là nguồn thức ăn thay thế?

Thịt trăn có thể là nguồn thức ăn thay thế gia súc vì nó giống thịt gà và ít chất béo bão hòa.

Trăn thải ra ít khí nhà kính hơn gia súc, gia cầm.

Trăn thải ra ít khí nhà kính hơn gia súc, gia cầm.

Việc chăn nuôi trăn gây tác động nhỏ đến môi trường so với chăn nuôi truyền thống.

Ít ảnh hưởng đến môi trường

Tại một trang trại ở miền Trung ẩm ướt Thái Lan, hàng nghìn con trăn nằm cuộn tròn trong các thùng chứa. Chúng chồm lên và bổ nhào vào lớp kính khi có người đi ngang qua.

Chúng được con người nuôi công nghiệp để lấy da bán cho các thương hiệu thời trang cao cấp ở châu Âu làm thắt lưng, túi xách, ví... Tuy nhiên, một số nhà khoa học và người nuôi trăn tin rằng giá trị thật sự của loài vật này nằm ở thịt.

Nhu cầu tiêu thụ thịt đang tăng lên trên toàn cầu, bất chấp lượng khí thải carbon gắn liền với chăn nuôi gia súc truyền thống. Dù chế độ ăn dựa trên thực vật thường được coi là lựa chọn thay thế tốt nhất, nhiều người cho rằng bò sát có thể là một phương án khác.

Trăn có thể chịu được nhiệt độ cao và hạn hán, sinh sản và phát triển nhanh hơn nhiều so với các nguồn protein động vật truyền thống trong khi chúng tiêu thụ ít thức ăn hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu ước tính chỉ riêng Trung Quốc và Việt Nam có ít nhất 4 nghìn trang trại nuôi trăn chứa hàng triệu con, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp thời trang.

Giống vật nuôi được ấp từ trứng trong các trang trại, không phải loại đánh bắt ngoài tự nhiên. Các loài trăn thường được nuôi công nghiệp gồm trăn Miến Điện, trăn gấm, trăn đá, trăn đá châu Phi.

Theo một nghiên cứu được công bố đầu năm 2024 trên tạp chí Nature, nuôi trăn có thể là giải pháp linh hoạt và hiệu quả cho tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Các nhà khoa học đã dành một năm nghiên cứu gần 5 nghìn con trăn gấm và trăn Miến Điện ở hai trang trại thương mại tại Việt Nam và Thái Lan. Kết quả cho thấy chúng có thể sống sót trong nhiều tháng mà không cần thức ăn hay nước uống và không hề suy giảm sức khỏe.

Những con trăn được cho ăn thịt gia cầm, chuột bắt được trong tự nhiên và cung cấp tỷ lệ thức ăn trên thịt hiệu quả hơn so với thịt gia cầm, thịt bò, thậm chí cả châu chấu. Chúng cũng sinh sản rất nhanh. Mỗi con trăn cái đẻ 50 - 100 trứng mỗi năm.

Các loài bò sát nói chung sống cần ít nước hơn, thải ra ít khí nhà kính hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, chúng không truyền các bệnh như cúm gia cầm hay Covid-19.

Ngoài ra, trăn có thể nhịn ăn trong thời gian dài. Đây là ưu điểm trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Ví dụ, trong dịch Covid-19, nông dân Trung Quốc phải tiêu hủy lợn vì thức ăn cho chúng quá đắt đỏ.

Nghiên cứu trên là tin vui đối với Emilio Malucchi, chủ sở hữu trang trại nuôi 9 nghìn con trăn ở Uttaradit, miền Trung Thái Lan. Ông chuyển từ Italy tới Thái Lan cùng gia đình cách đây hơn 4 thập kỷ. Ông đã cố gắng thuyết phục mọi người ăn thịt trăn nhưng không thành công. Phần lớn thịt trăn sau khi lột da phải bỏ đi hoặc làm mồi cho các trang trại nuôi cá.

“Điều đó là một sự lãng phí. Tôi ăn thịt trăn vì tôi nuôi chúng và biết chúng ăn gì”, ông Malucchi nói.

 Thịt trăn có thể thay thế thịt gia súc truyền thống.

Thịt trăn có thể thay thế thịt gia súc truyền thống.

Ngành chăn nuôi thương mại

Trăn hoang dã từ lâu đã trở thành món ăn ở Đông Nam Á nhưng thịt trăn chưa được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới dù nó giống thịt gà và ít chất béo bão hòa. “Vấn đề là không có thị trường dành cho thịt trăn. Chúng ta cần tuyên truyền mọi người về tiềm năng của thịt trăn”, Malucchi đề nghị.

Tác động của khí hậu tới thịt được ghi nhận rộng rãi. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN) nhấn mạnh thịt từ động vật gặm cỏ, chủ yếu là bò, là thực phẩm tác động lớn nhất tới môi trường, cả về mặt khí thải nhà kính và sử dụng đất.

UN và các nhà hoạt động vì khí hậu ủng hộ việc chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn. Nhưng theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu về thịt sẽ tăng 14% vào năm 2032 do dân số tăng cao ở các khu vực thu nhập thấp và mức sống ngày càng tăng ở các nước châu Á.

Trong khi đó, hán hạn và thời tiết cực đoan đang khiến chăn nuôi kiểu truyền thống ngày càng khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới có nhu cầu cấp thiết về protein. Theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, suy dinh dưỡng protein - năng lượng gây ra gần 190 nghìn ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2021.

Nghịch lý đó đã thúc đẩy việc khám phá các loại thịt thay thế từ côn trùng ăn được đến thịt trong phòng thí nghiệm. Nhưng việc áp dụng các giải pháp thay thế này vẫn chưa đáng kể và những người nuôi trăn thương mại phải đối mặt với các tiêu chuẩn chế biến nghiêm ngặt.

Bất chấp những thách thức này, Patrick Aust, Giám đốc Viện Bò sát học Ứng dụng châu Phi tin rằng việc nuôi trăn có “tiềm năng rất lớn”.

“Bạn có thể nướng hoặc ăn thịt trong món cà ri và món hầm. Tôi thích chiên bơ tỏi cho đến khi thịt ngon và giòn. Đây là loại thịt có nhiều công dụng”, ông Aust nói.

Dù vậy các tổ chức bảo vệ động vật không tán thành với nghiên cứu trên. Đầu năm 2024, nhóm bảo vệ quyền động vật PETA đã cáo buộc trang trải của Malucchi đối xử tàn ác với động vật. Nhưng Malucchi phản đối và khẳng định ngành của ông không khác gì các loại hình chăn nuôi gia súc khác.

“Động vật chăn nuôi bị giết mổ trên khắp thế giới. Trăn cũng không phải ngoại lệ”, ông Malucchi nói.

Theo các nhà nghiên cứu, ngành chăn nuôi trăn thương mại có nhiều khả năng phát triển ở một số vùng tại châu Phi và châu Á, nơi việc ăn trăn, rắn không phải điều cấm kị. Đơn cử, ở Trung Quốc, súp trăn là món ăn phổ biến giúp làm ấm cơ thể vào mùa Đông.

Đáng chú ý, châu Phi đang đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng, làm số lượng gia súc sụt giảm mạnh.

Chuyên gia Aust phân tích: “Châu Phi đang gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt hạn hán lớn chưa từng có do hiện tượng El Nino gây ra. Gia súc chết hàng loạt trên đồng ruộng trong khi trăn có thể sống sót qua thiên tai nhờ quá trình trao đổi chất linh hoạt. Loài bò sát này có thể là bước ngoặt với ngành sản xuất gia súc”.

Nguyễn Minh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/neu-thit-tran-la-nguon-thuc-an-thay-the-post694055.html