Nếu tình huống đòi hỏi, Nga có thể sẽ áp dụng chiến lược Syria vào Ukraine
Mỹ từng mặc định rằng Nga sẽ e ngại các rủi ro khi can thiệp quân sự vào Syria. Nhưng thực tế không phải vậy. Mỹ có thể lặp lại sai lầm đó trong trường hợp Ukraine hiện nay. Nếu phải ra tay, Nga có lẽ sẽ có đối sách hết sức khôn khéo.
Cảnh báo ầm ĩ từ phía Mỹ
Giới chức an ninh quốc gia, các nhà ngoại giao và giới sĩ quan quân đội Mỹ đều gióng lên cảnh báo với Nga nếu nước này tiến công Ukraine. Lời lẽ của họ đại ý như sau: "Nếu Nga can thiệp, họ sẽ đối mặt với một cuộc chiến khó khăn... Các lực lượng của Nga sẽ phải đối diện với một cuộc nổi dậy... Khi thương vong của quân nhân gia tăng, ông Putin sẽ đối mặt áp lực gia tăng từ công chúng... Nga sẽ không thể đạt được mục tiêu và sẽ bị sa lầy...".
Những phát ngôn như thế này xuất phát từ đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris nhằm cảnh báo điện Kremlin chớ có khởi động một cuộc phiêu lưu quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, các bình luận này na ná những tuyên bố từng được chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đưa ra vào tháng 9/2015 trước khi Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Syria.
Nếu Nga áp dụng phương pháp từng áp dụng với Syria vào Ukraine thì những gì Mỹ đã huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine có thể trở nên không phù hợp nữa.
Những bài học từ cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria
Thứ nhất, sự can thiệp đó chủ yếu tập trung vào phá hủy năng lực và đội hình chiến đấu của phe đối lập với Tổng thống Syria Assad chứ không phải là đánh chiếm lãnh thổ. Kremlin quyết định ra tay trực tiếp ở Syria vào cuối hè đầu thu năm 2015, khi các phe phái đối lập của Syria đã có đủ lực để gây sức ép lên Damascus và có khả năng lật đổ được ông Assad. Lực lượng Nga khi ấy đã tập trung vào sử dụng không quân, tấn công bằng tên lửa, và các thiết bị không người lái, để phá tan hoặc làm suy yếu các lực lượng quân sự đối lập.
Sau khi thoát khỏi nguy nan, các lực lượng quân sự của chính phủ Syria mới phản công và tái chiếm nhiều vùng lãnh thổ.
Thứ hai, quân Nga đã duy trì một lực lượng trên bộ ở Syria tương đối nhỏ gọn. Họ lựa chọn không tập trung vào chiếm đất và tránh nhận trách nhiệm quản lý. Thực sự thì trong một số trường hợp, người Nga còn trung gian hòa giải cho một loạt lệnh ngừng bắn, để cho các thủ lĩnh địa phương tự kiểm soát lãnh thổ của họ nhằm đổi lại việc họ chấp nhận quyền kiểm soát tổng thể của chính phủ Syria.
Thứ ba, khi nào cần đến lực lượng lục quân, Nga liền quay sang dựa vào các công ty quân sự tư nhân hoặc các lực lượng phi chính quy. Nga cố gắng giới hạn tối đa sự tham gia của các quân nhân chính quy mặc quân phục. Tương tự như ở Mỹ, công chúng Nga dường như cũng phân biệt rõ rằng giữa quân nhân hy sinh cho Tổ quốc và các binh lính hợp đồng chủ động đi đánh thuê và chấp nhận các rủi ro.
Cuối cùng, Nga đã phô diễn với thế giới khả năng của họ tung ra các đón đánh quân sự chết người từ các vũ khí và căn cứ ngay bên trong lãnh thổ Nga. Điều này thể hiện rõ qua vụ họ phóng tên lửa hành trình Kalibr từ đội tàu Biển Caspia.
Nga học hỏi cả các chiến dịch quân sự của Mỹ, có thể vận dụng vào Ukraine
Như vậy Syria đã không trở thành Afghanistan của Tổng thống Nga Putin. Liên quan đến điều này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov từng phát biểu trong đối thoại Mỹ-Nga 2006 rằng quân đội Nga đang theo dõi sát sao và học tập từ chính các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Nga đã hết sức tránh việc triển khai quân bộ trên quy mô lớn.
Lần này, trong tình huống Nga lựa chọn giải pháp quân sự cho vấn đề miền Đông Ukraine, kịch bản có thể như sau: Nga sẽ thực hiện các cuộc tấn công tầm xa nhằm phá hủy thiết bị của đối phương, đặc biệt là kho UAV (drone - thiết bị bay không người lái) và cố gắng phá vỡ đội hình quân sự của đối phương.
Kinh nghiệm ở Syria cho thấy, Nga có thể sẽ tránh đưa quân vượt biên giới, mà hễ khi nào có thể, sẽ sử dụng hỏa lực trực tiếp bắn xuyên biên giới. Nga cũng có khả năng phóng tên lửa Kalibr từ vùng biển gần Ukraine. Ở đây lưu ý một điểm: Phương Tây (nhất là EU) hứa hẹn sẽ trừng phạt kinh tế và năng lượng đối với Nga nếu Nga "xâm lấn", tức là đưa các binh đoàn lớn có tổ chức vượt qua biên giới sang lãnh thổ đối phương. Trong khi đó, Mỹ và các nước NATO rất ngại đưa vũ khí phương Tây vượt qua biên giới Ukraine-Nga để đánh vào hệ thống pháo binh/tên lửa và sân bay của Nga.
Nếu cần thiết nữa, nước cộng hòa Chechnya (thành viên của Liên bang Nga) có thể gửi lực lượng trợ giúp tới Ukraine để chiếm các địa điểm chiến lược, các đầu mối liên lạc quan trọng. Như vậy sẽ không có lực lượng chính quy của quân đội Nga tham gia trên thực địa.
Hiện nay Mỹ đang huấn luyện đặc nhiệm Ukraine cho chiến tranh du kích chống Nga. Họ dự báo lực lượng tăng thiết giáp Nga sẽ chọc sâu vào thủ đô Kiev. Nhưng Nga có thể không áp dụng cách tiếp cận đó, khiến các nỗ lực đón lõng của Mỹ có thể khó phát huy được tác dụng. Nếu chiến sự Nga-Ukraine nổ ra sớm thì các viện trợ và huấn luyện quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine có thể không kịp điều chỉnh./.