Nếu tôi không làm báo?

Câu hỏi ấy thường lởn vởn trong đầu tôi vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) hay mỗi khi vinh dự được lên bục nhận một giải thưởng nào đó liên quan tới nghề báo. Nếu không làm báo, có thể tôi đã trở thành cán bộ văn phòng ở bất cứ cơ quan nhà nước nào với một công việc nhàn thân và cuộc sống yên ổn. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không có được những cung bậc cảm xúc thăng hoa, những trải nghiệm tuyệt vời mà chỉ nghề báo mới có thể cho tôi được!

Lần đầu tiên được đăng một mẩu tin lớn hơn bao diêm trên trang xã hội của báo TH, tôi mừng đến bật khóc và vội vàng đạp xe mười hai cây số về khoe với ông nội, bố mẹ và chị tôi. Mười năm công tác tại báo TH, tôi đã trải qua các vị trí phóng viên, biên tập viên và cả công tác tư liệu - bạn đọc. Đó chính là những trải nghiệm quý báu để khi chuyển đến Tòa soạn Báo Bình Phước, tôi đã có thể tác nghiệp ở nhiều vị trí.

Nếu không làm báo, tôi không thể nào biết cách lắng nghe cuộc sống quanh mình. Đã có người hỏi tôi một cách đầy ngờ vực rằng những người làm báo sao lắm chuyện thế? Ngày nào cũng viết, mà chuyện gì cũng lên báo được? Những câu hỏi xét nét như thế với những người làm báo thực ra chẳng có gì lạ. Không có báo chí, không có nhà báo, cuộc sống sẽ cứ diễn ra như nó vốn thế. Thế nhưng, có một điều nhiều người chưa nhận thấy là những người làm báo thường có góc nhìn khác số đông. Và ở mọi lúc, mọi nơi, vành tai của họ dường như luôn vểnh lên để lắng nghe cuộc sống. Sẽ lại có người hỏi, chỉ những người làm nghề báo mới biết lắng nghe cuộc sống thôi sao? Xin thưa không phải thế. Nhưng bạn nghe xong rồi sẽ quên ngay. Còn với người làm nghề viết, những gì nghe được từ cuộc sống thường lắng lại trong đầu họ. Và đêm về, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ hoặc đang sướt mướt với một bộ phim diễm tình Hàn Quốc, hay say sưa với một trận cầu nảy lửa, thì những con số, những tình huống, những hình ảnh thu nhận được trong ngày lại ngọ nguậy, nhảy múa trong đầu, khiến họ phải bật dậy mở máy vi tính.

Tác giả và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Đào Thị Lanh vinh dự được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền tặng hoa và quà sau khi đoạt giải A cấp trung ương Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023

Tác giả và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Đào Thị Lanh vinh dự được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền tặng hoa và quà sau khi đoạt giải A cấp trung ương Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023

Ngay tuần đầu làm việc tại Báo Bình Phước, tôi lang thang ở chợ Đồng Xoài và chứng kiến một người đàn ông với vết lở loét rất lớn ở chân đang lăn lộn dưới nền chợ sũng nhoét để xin tiền. Động lòng, tôi bỏ vào cái mũ cáu bẩn của ông vài đồng lẻ. Rồi tình cờ, tôi nghe hai phụ nữ bán cá nói với nhau về chiêu trò của người đàn ông này. Họ bảo ông ta là kẻ bài bạc, số đề, dù khỏe mạnh nhưng lại chọn nghề xin ăn. Và để xin được tiền, ông ta lộn trái miếng da bê buộc vào chân, băng bó lem nhem, phết máu động vật lên và lăn lộn dưới nền chợ. Nghe tôi kể lại, cố Tổng Biên tập Báo Bình Phước Hoàng Lâm liền bảo:

- Chuyện hay thế sao không viết?

Tôi tròn mắt hỏi:

- Em viết, anh có đăng không?

- Bất kể chuyện gì liên quan đến đời sống dân chúng, tôi đăng hết, mà còn trả nhuận bút cao hơn tin hội nghị nữa kìa!

Thế là tôi viết bài “Nghề ăn xin ở chợ Đồng Xoài”. Theo mạch cảm xúc ấy, tôi đi theo những người bẫy chim, đào rắn, cả cho vay nặng lãi... Quả thật, khi viết dạng bài này, tôi viết rất nhanh và khi đọc lại, chính mình cũng thích. Lứa phóng viên sau này như các anh Đoàn Phú, Khắc Dũng, chị Hà Phương Thảo cũng thường có những phóng sự dài kỳ về cuộc sống của người dân như: Nghề trục vớt củi dưới lòng hồ thủy điện Thác Mơ, nghề làm lá buông, nghề “đánh” xe máy từ Campuchia về. Có người còn cả gan vào vai kẻ đánh bạc, sang Campuchia làm phóng sự dài kỳ về tình trạng người dân Bình Phước vượt biên đánh bạc… Những dạng bài như thế luôn được Tổng Biên tập khen ngợi là biết bám sát đời sống và trả nhuận bút cao hơn.

Nếu không làm báo, tôi sẽ không gặp được những con người, những số phận đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi địa vị xã hội. Dù họ thành đạt hay bất hạnh đến đâu, bao giờ cũng giữ được phẩm giá làm người khiến tôi khâm phục, kính trọng. Tôi đã may mắn được phỏng vấn “Ông cố vấn” huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ; phỏng vấn Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung; phỏng vấn một sĩ quan tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 gan dạ đọ súng với những tên cướp biển Malaysia và đã cùng đồng đội tóm gọn chúng; đã viết hồi ký cho Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Luật hay người thầy đáng kính, là hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài)... Những bức chân dung chân thực, đẹp đẽ của những con người ấy được tôi tập hợp thành một chương trong cuốn sách đang chờ in. Và tôi coi đó là kỷ niệm đẹp, là tài sản tinh thần quý giá mình có được trong cuộc đời làm báo.

Nếu không làm báo, tôi sẽ không có được cảm xúc đặc biệt khi gặp và viết về người đàn bà điên loạn quê tỉnh Hải Dương đã bỏ nhà nhiều năm, tự khoét một tổ mối lớn giữa rừng làm nhà và sống trong tổ mối ấy như người nguyên thủy. Khi bài viết được đăng trên báo xuân Bình Phước năm 2014, người thân của bà đọc được và đã tìm đến Tòa soạn Báo Bình Phước để nhờ tôi dẫn đường đưa bà về. Câu chuyện tỏa lan và tình người cũng tỏa lan nên những ngày cận tết Nguyên đán năm 2014, một số bạn bè thân quen ở thị trấn Đồng Xoài khi ấy đã đến Báo Bình Phước nhờ tôi chuyển tiền giúp đỡ “Người đàn bà sống trong tổ mối” - tên bài viết thông qua người thân của họ. Rồi những chuyện phụ huynh còng lưng gánh các loại “quỹ tự nguyện”; chuyện người nuôi gà theo hợp đồng lao đao khi đối tác “bẻ kèo”; chuyện một người lính chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam hy sinh 21 năm vẫn không được công nhận liệt sĩ… đã đọng lại trong ký ức bạn đọc và được chính quyền địa phương kịp thời khắc phục.

Nhưng nghề báo không chỉ có vinh quang khi được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và khi tác giả lên bục nhận giải thưởng. Nghề báo còn là nghề hiểm nguy. Sự hiểm nguy không chỉ thể hiện ở việc không ít nhà báo bị hành hung, bị “tịch thu” phương tiện hành nghề, thậm chí bị truy sát. Những kiến thức được trang bị từ giảng đường đại học chỉ là nền tảng ban đầu và nhà báo phải tự học cả đời để hiểu nhiều nghề, bởi không hiểu thì làm sao viết được. Cùng với vốn sống thực tế thì kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và sự trải nghiệm mới có thể ghi dấu tên tuổi nhà báo trong lòng bạn đọc. Thời công nghệ số phát triển, những người làm báo phải bằng mọi cách để có nguồn thông tin nhanh mà chính xác. Và để có được điều đó, phóng viên phải kiểm chứng từ nhiều nguồn để không bị “lừa” trước sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội. Nếu không làm báo, chắc chắn tôi sẽ không biết cách giữ cho mình sự tỉnh táo, thận trọng và khách quan cần thiết. Chỉ khi vượt qua được những rào cản, những thử thách ấy, nghề báo mới thực sự là nghề vinh quang!

Tôi thực sự biết ơn nghề báo đã đào luyện tôi thành người vừa đa cảm vừa cứng rắn và một khả năng chịu khó, chịu khổ, chắc chắn là lớn hơn nhiều - nếu tôi không phải là một nhà báo.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/158112/neu-toi-khong-lam-bao