Nếu vẫn thắt chặt các điều kiện, du lịch sẽ lỡ 'cơ hội vàng'Tin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Tổng đài viên đặc biệt: Chỗ dựa vững chắc cho F0 điều trị tại nhà

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, vấn đề quan tâm nhất lúc này trước thời điểm mở cửa du lịch (ngày 15/3) là những chính sách khi mở cửa du lịch sẽ được thực thi như thế nào để không làm du khách ngần ngại khi quyết định du lịch đến Việt Nam và vẫn bảo đảm về an toàn dịch bệnh.Mở cửa du lịch – Cơ hội vàng để du lịch Việt Nam 'cất cánh'. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Cơ hội đặc biệt để đón đầu nhu cầu du lịch toàn cầu

Các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành đều chung quan điểm rằng, đây chính là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và ‘cất cánh’ sau hai năm ‘đóng băng’ vì dịch bệnh. Bởi trước làn sóng mở cửa toàn cầu, khi các quốc gia trên thế giới đều đang tích cực mở cửa du lịch, nếu Việt Nam vẫn thắt chặt các điều kiện đối với du lịch, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và kinh kế nói chung.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, ở góc độ kinh doanh, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

“Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó”, bà Lan Anh nói.

Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm 2022, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

“Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch. Đồng thời, du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải an toàn cho du khách và người dân”, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.

Con đường phục hồi du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, theo bà Lan Anh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những khó khăn, thách thức cũng chính là những băn khoăn về các cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ, phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như các điểm đến.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình, mở cửa du lịch không chỉ cho riêng ngành du lịch mà là mở cửa cho các ngành kinh tế khác. Khi du lịch hồi phục thì các ngành nghề khác sẽ hồi phục. Do đó rất cần sự phối hợp và liên kết chặt chẽ của 3 thành phần: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Du lịch không đòi hỗ trợ thêm, chỉ mong khôi phục lại những gì đã có

“Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch, mà chỉ mong muốn chúng ta khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020.

Những chính sách đã ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện và mong rằng những quy định đó nên đơn giản, để các doanh nghiệp có thể thực hiện được.

Chính sách của chúng ta cũng tương đồng với các nước khác đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho rằng,vấn đề đặt ra khi mở lại du lịch đó là cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp.

Theo ông Phương, hiện nay thị trường, sản phẩm, khách du lịch đã thay đổi. Nhu cầu và sự quan tâm cũng như phương thức tham gia du lịch của du khách cũng thay đổi. Điều đó đòi hỏi từ nhà quản lý đến các doanh nghiệp phải nắm bắt xu thế này để đưa ra phương thức kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta ứng xử với khách nội địa như thế nào thì đối với khách quốc tế cũng như vậy.

Cần làm gì để du khách trở lại?

Ông William Haandrikman – Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi đã đưa ra 4 yếu tố chính cần quan tâm trước thời điểm mở cửa du lịch, đó là:Bảo đảm an toàn, minh bạch thông tin, đào tạo nhân viên và chuyển đổi số.

“Trong những xu hướng mới của du khách hiện nay, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn dịch bệnh, du lịch trách nhiệm và có nhận thức hơn; đưa ra giải pháp số, thông tin minh bạch; chất lượng dịch vụ hoàn hảo,… là những yếu tố đưa du khách đến và trở lại Việt Nam”, ông William Haandrikman nói.

Ông William Haandrikman cho rằng, bảo đảm an toàn cho du khách trước hết cần tuân thủ mọi điều kiện đưa ra của Nhà nước, địa phương; liên kết với cơ quan y tế để kịp thời báo cáo và xử lý những vẫn đề liên quan đến sức khỏe, dịch bệnh khi cần thiết.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho hành khách một cách tối đa, yên tâm khi đến Việt Nam thì thông tin cho khách hàng phải minh bạch. Đơn cử như thông tin về dịch bệnh tại Việt Nam, quy định về phòng, chống dịch bệnh, cách ly… Và đặc biệt cần đồng hành cùng khách hàng trong suốt quá trình du lịch, để có điều chỉnh phù hợp khi có yêu cầu từ khách hàng.

Du lịch trong điều kiện bình thường mới cần phải thích ứng linh hoạt, do đó theo ông William Haandrikman cần linh hoạt trong quá trình đặt phòng, đặt vé, khi khách du lịch không may dương tính với COVID-19. Mặt khác, du lịch bền vững cũng là mối quan tâm của du khách trong thời điểm hiện nay. Trong đó, du khách tránh đến nơi quá đông đúc và quan tâm đến môi trường du lịch, sức khỏe tinh thần, du lịch nghỉ dưỡng…

Nhân lực trong ngành du lịch, khách sạn cũng là vấn đề đang gặp nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, khi đa số đều đã nghỉ việc hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác. Ông William Haandrikman cho rằng, cần đào tạo về nghiệp vụ cho lao động du lịch để họ thích nghi với môi trường không ngừng thay đổi, tạo môi trường làm việc thực sự an toàn và nhân viên cảm thấy an tâm khi làm việc. Đồng thời cần có quỹ hỗ trợ nhân viên khi cần thiết, 100% nhân viên được tiêm vaccine phòng COVID-19, có kênh kết nối nhân viên…

Cùng quan điểm trên, bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) với hơn 30.000 cơ sở lưu trú; 650.000 phòng, công suất sử dụng hiện nay rất thấp, có những khách sạn chỉ đạt 5%, 7%, 15%.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Với chính sách mở cửa du lịch quốc tế, doanh nghiệp lưu trú hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, bà Lê Mai Khanh cho biết, lực lượng lao động trong ngành du lịch nghỉ việc nhiều. Do đó cần có chính sách thu hút nhân lực quay trở lại ngành và đào tạo nhân lực du lịch là quan trọng.

Theo bà Lê Mai Khanh cần kéo dài các chính sách hỗ trợ cho người lao động, cho các cơ sở lưu trú. Để khách du lịch vào Việt Nam đông nhất và không ngần ngại về cơ chế chính sách hay dịch bệnh thì các điều kiện về y tế cần thông thoáng hơn, tăng cường đề nghị các nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.

Theo Baochinhphu

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-lich/486843-neu-van-that-chat-cac-dieu-kien-du-lich-se-lo-co-hoi-vang.html