Nếu xảy ra vỡ đê, hàng chục năm sau chưa thể khắc phục hết
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, nếu xảy ra vỡ đê, hậu quả vô cùng lớn, cả chục năm sau, thậm chí nhiều chục năm sau chưa thể khắc phục hết.
Sáng 5/6, tại Nghệ An, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, TP có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, năm 2023. Hội nghị có sự tham gia của hơn 500 đại biểu.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND cấp huyện có vai trò rất quan trọng, là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi những vi phạm diễn ra; chỉ đạo tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê.
Thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.
Mưa lớn trái mùa, kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4, 5, 6 ở phía Bắc. Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong thời gian khá dài. Đây là điều hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đưa vào vận hành khai thác.
Tại miền Trung, mưa lớn trái mùa, mưa lớn sau 3 cơn bão liên tiếp đổ bộ đất liền, có nơi vượt lịch sử về cường suất, tổng lượng mưa, gây ngập lụt diện rộng ở đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh gây sóng lớn tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tiếp 247 trận động đất...
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai bất thường cũng xảy ra ở nhiều nơi. Cụ thể, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Cuối tháng 3, nắng nóng vượt lịch sử xảy ra tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
"Cả nước hiện có 2.741 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, trong đó có 288 điểm xung yếu. Vì vậy, nếu có lũ lớn, mưa bất thường chắc chắn có sự cố. Khi có cự cố vỡ đê, thiệt hại vô cùng lớn, không chỉ về con người mà còn hạ tầng, khu chế xuất, khu công nghiệp. Do đó, bảo vệ đê điều là bảo vệ tính mạng và tài sản người dân. Xảy ra một trận vỡ đê thì cả chục năm sau, thậm chí nhiều chục năm sau chưa thể khắc phục hết", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, nơi nào các lãnh đạo UBND cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, nền nếp thì nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật về đê điều ít xảy ra; các tuyến đê được đảm bảo an toàn chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND cấp huyện có vai trò rất quan trọng; là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi những hành vi vi phạm diễn ra; chỉ đạo tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê.
Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia dự báo khí tượng thủy văn thông tin, trong 6 tháng cuối năm 2023, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, có khoảng từ 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và 5, 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 đến tháng 10 và giảm dần từ tháng 11/2023. Về mưa lũ, ngập lụt, đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động cấp 1, 2; riêng các sông suối nhỏ từ báo động cấp 2, 3, tập trung từ tháng 7 đến tháng 9. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều tại các địa phương, thời gian tới, các tỉnh cần tổ chức các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ; đôn đốc các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê khi có lũ, bão; tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều tại 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
Các tỉnh cần xây dựng, phổ biến các tài liệu kỹ thuật xử lý sự cố đê điều, hộ đê; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng tuần tra, canh gác, xung kích và quân đội.