“Bắc Kinh sẽ tìm cách loại bỏ tàu hậu cần của Mỹ, khi chúng ta đang bỏ bê lĩnh vực này”, ông Gary Roughhead, người đứng đầu các hoạt động hải quân Mỹ từ cuối năm 2007 cho đến khi nghỉ hưu năm 2011 cho biết trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện hôm 4-6-2020.
“Tôi đã có dịp trao đổi với một đô đốc Trung Quốc. Ông ấy đã nói rất rõ rằng các tàu hậu cần của Mỹ là mục tiêu chính, bởi vì nếu loại được bộ phận hậu cần, các tàu chiến sẽ mất đi huyết mạch của chúng”, Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu Roughhead nói.
Khi quân đội Mỹ định hướng lại “giá trị cạnh tranh” với Nga và Trung Quốc, khả năng duy trì các hoạt động quân sự, đặc biệt là công tác hậu cần nếu xảy ra xung đột đã được đặc biệt lưu ý
Hải quân Mỹ hoạt động ở Trung Đông mà không cần đến hậu cần do họ đóng quân rất gần các cảng. Tuy nhiên, với vùng nước Thái Bình Dương rộng lớn và xa xôi thì mọi chuyện sẽ khác.
Không tính đến tiếp tế thực phẩm, nhiên liệu hay thư từ, các tàu chiến Mỹ muốn tái trang bị tên lửa phải quay về cảng dự trữ, nhưng các kho vũ khí tên lửa mà Trung Quốc hiện có có thể tiếp cận trước các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương có quân đội Mỹ đồn trú
“Tôi tin rằng nhiều cảng mà chúng tôi thường xuyên dựa vào, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương, sẽ dễ bị tổn thương”, ông Roughead nói.
Một cuộc tập trận gần đây chứng kiến tàu ngầm USS Emory S. Land đi vào đảo san hô Ulithi, một trung tâm hậu cần lớn của Thế chiến II, cho thấy Hải quân Mỹ có thể đang nghĩ cách để tiếp tế khi đang di chuyển.
Tư lệnh Thủy quân lục chiến, tướng David Berger - người đã có đề xuất táo bạo về sắp xếp lại để trang bị tốt hơn khi chiến đấu ở Thái Bình Dương - cũng đã thừa nhận rằng những thách thức hậu cần cần phải được giải quyết.
“Thách thức của lực lượng thủy quân lục chiến là phát triển dấu ấn hậu cần mới trong một môi trường có nguy cơ cao”, tướng Berger nói trong một sự kiện tại Quốc hội Mỹ hồi tháng 2-2020, “Giờ chúng ta phải tập trung vào hậu cần vì họ sẽ cố gắng cắt đứt kết nối của chúng ta”.
Trong phiên điều trần tuần trước, Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Học viện Hudson và một cựu sĩ quan Hải quân, cũng cho biết, lực lượng hậu cần chiến đấu hỗ trợ quân đội triển khai ở nước ngoài cần sự phân tán hơn, thay vì chỉ có ít tàu hậu cần lớn
Một yếu tố khác là năng lực của lực lượng hải vận quân sự, mối quan tâm lớn của giới chức quân sự nhiều năm nay
Vào tháng 9-2019, Bộ Tư lệnh Giao thông thuộc Bộ Quốc phòng đã thực hiện một cuộc tập trận quy mô lớn không có thông báo trước với 61 tàu hải vận được giao cho Hạm đội Organic Surge - các tàu có trụ sở tại Mỹ sẵn sàng hoạt động trong thời gian ngắn
Cuộc tập trận gây thất vọng bởi chưa đến một nửa hạm đội có thể chuẩn bị đầy đủ để ra khơi trong khung thời gian quy định.
“Những con tàu hải vận “có tuổi” này cần phải được tái cấp vốn. Hải quân biết điều đó nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết theo cách nào”, ông Bryan Clark nói thêm.
Chuyên gia Bryan Clark đề nghị mở rộng chương trình an ninh hàng hải - cho phép quân đội tiếp cận các tàu mang cờ thuộc sở hữu của chính phủ và tư nhân - để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Ngân sách nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 có thể làm giảm chi tiêu quốc phòng trong tương lai nhưng Đô đốc Gary Roughhead nói rằng đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng và đặc biệt là đóng tàu có thể hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế.
Hải Yến (Theo Business Insider)