New York Times bị lên án vì bài viết về 'siêu lừa' từng được coi là Steve Jobs phiên bản nữ
Tờ The New York Times viết rằng có một 'Elizabeth Holmes mới', nhưng ít ai tin vào điều đó.
Elizabeth Holmes là người sáng lập công ty khởi nghiệp xét nghiệm máu Theranos, có giọng nói khàn khàn, mặc áo len cổ lọ màu đen giống Steve Jobs (đồng sáng lập Apple) và tô son đỏ. Người phụ nữ sinh năm 1984 bị phán quyết phạm 4 tội danh lừa đảo các nhà đầu tư vào Theranos và bị kết án 11 năm tù.
Tuy nhiên hôm 7.5, bài viết trên The New York Times lại giới thiệu với thế giới hình ảnh khác về Elizabeth Holmes. Đó là một người mẹ đầy tình yêu với hai đứa con, đội mũ xô, đeo kính râm và đi dạo quanh Sở thú San Diego (Mỹ) nói chuyện với phóng viên về cuộc đời đáng kinh ngạc của mình bằng giọng nói "nhẹ nhàng, hơi trầm và hoàn toàn bình thường".
Bài viết cố gắng tạo ra sự tương đồng giữa Elizabeth Holmes, người đang cố gắng trì hoãn việc thi hành bản án 11 năm tù, với "Elizabeth Holmes thực sự".
Chẳng hạn, khi nói chuyện với nữ nhà báo Amy Chozick của The New York Times về nữ diễn viên Jennifer Lawrence từng rút lui khỏi vai diễn Holmes trong bộ phim mang tên Bad Blood, Elizabeth Holmes chỉ ra các nhân cách khác nhau của mình.
"Họ đang đóng vai một nhân vật mà tôi đã tạo ra", Elizabeth Holmes nói.
Thế nhưng, không phải ai cũng tin vào câu chuyện về Elizabeth Holmes trên The New York Times và cách mà cô đang cố gắng thay đổi hình ảnh của mình. Bài viết trên đã vấp phải phản ứng dữ dội nhanh chóng. Trong đó, trang Jezebel đăng bài có tiêu đề "Dễ thương! The New York Times giúp Elizabeth Holmes rửa sạch tai tiếng của cô ấy trước khi vào tù".
Todd Schulte, Chủ tịch của nhóm vận động hành lang ủng hộ nhập cư FWD.us, viết trong một dòng tweet hôm 7.5: "Các phương tiện truyền thông hàng ngày đưa ra lựa chọn về cách đưa tin về những người trong hệ thống tư pháp. Theo số liệu, câu chuyện này có 95 đoạn văn (!); 0 không sử dụng thuật ngữ kết án, tội phạm, kẻ phạm tội; 1 bức ảnh chụp gia đình ở bãi biển; 1 tiêu đề phụ với từ 'người mẹ tận tụy'".
Soledad O'Brien, cựu người dẫn chương trình của CNN, viết trên Twitter: "Thật tuyệt khi trở thành một phụ nữ da trắng xinh đẹp quyến rũ một phóng viên The New York Times".
"Một lời nhắc nhở rằng cô ấy là tội phạm bị kết án, sẽ sớm bắt đầu bản án hơn 1 thập kỷ trong nhà tù liên bang", một người dùng Twitter khác viết.
Dù vậy, bài viết về Elizabeth Holmes của The New York Times cũng nhận được sự đồng cảm trên mạng. "Chúa ơi, hy vọng tôi không phải lại dành nhiều thời gian để thảo luận về đề tài này nữa, nhưng tôi không ghét bài viết về Elizabeth Holmes”, một người bình luận.
Công bằng mà nói, nữ nhà báo Amy Chozick viết rằng cô đã bị thu hút và xúc động bởi Elizabeth Holmes sau quá trình tương tác giữa hai bên. Amy Chozick tin rằng Elizabeth Holmes là một người xứng đáng được đồng cảm.
Từ nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ đến tay trắng
Elizabeth Holmes từng là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ, được xem là phiên bản nữ của Steve Jobs khi mở công ty năm 19 tuổi với mục tiêu thay đổi thế giới. Cô là doanh nhân khởi nghiệp hiếm hoi ở Thung lũng Silicon bị kết tội lừa đảo.
Elizabeth Holmes theo học ngành kỹ sư hóa học Đại học Stanford (Mỹ) năm 2002. Chỉ chưa đầy hai năm sau, cô đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế đầu tiên. Đến năm 2016, Elizabeth Holmes đã có hơn 80 bằng sáng chế.
Năm 19 tuổi, Elizabeth Holmes quyết định rời Đại học Stanford, dành toàn bộ tiền bạc và sự tập trung cho mục tiêu thay đổi thế giới. Elizabeth Holmes thành lập công ty Theranos năm 2003, với ý định giúp người dân xét nghiệm máu nhanh, dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với đến bệnh viện. Để lập công ty riêng, Elizabeth Holmes xin bố mẹ số tiền mà họ đã dành ra để nộp học phí cho cô.
Thời điểm đó, ngành công nghiệp xét nghiệm không có nhiều đột phá, do hoạt động thử máu vẫn chưa thay đổi từ khi các phòng thí nghiệm hiện đại xuất hiện vào thập niên 60. Chi phí đắt đỏ và nỗi sợ đau đã khiến nhiều bệnh nhân ngần ngại làm các bài xét nghiệm cần thiết.
Ý tưởng của Elizabeth Holmes là không cần các dụng cụ như ống nghiệm, băng gạc và thời gian chờ lấy kết quả dài đằng đẵng cho các xét nghiệm. Chỉ cần một chiếc kim lấy máu xếp trong chiếc hộp nhỏ như đồng xu. Qua đó, khoảng 70 phép xét nghiệm có thể thực hiện chỉ bằng một giọt máu và trong thời gian ngắn hơn nhiều phương pháp truyền thống.
Elizabeth Holmes cho rằng đơn giản hóa việc này sẽ giúp mọi người xét nghiệm máu dễ dàng và chẩn đoán bệnh sớm hơn. Cô lập ra Theranos Wellness Center (Trung tâm chăm sóc sức khỏe Theranos), bày biện bên trong bằng những tờ tạp chí hấp dẫn, mở nhạc nền êm dịu và cam kết thử máu không đau. Mục tiêu của Elizabeth Holmes là mỗi người Mỹ đều có thể tiếp cận một trung tâm trong vòng 8km.
Theranos đã hợp tác với chuỗi hiệu thuốc Walgreens để thực hiện việc này. Vì vậy, các Theranos Wellness Center của họ cũng được xây ngay trong cửa hàng Walgreens.
Năm 2004, Theranos huy động được hơn 6 triệu USD, được định giá 30 triệu USD. 10 năm sau, Theranos đã huy động được 400 triệu USD và có định giá 9 tỉ USD. Nhiều người nổi tiếng cũng góp mặt trong hội đồng quản trị công ty.
Năm 2015, Elizabeth Holmes được Forbes định giá tài sản 4,5 tỉ USD và là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Cô cũng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014.
Elizabeth Holmes có lối sống trầm lặng, kiêng cà phê, không hẹn hò, không xem tivi, ít ngủ và làm việc 7 ngày trong tuần. Cô còn được ví với Steve Jobs do thường mặc áo len cổ lọ và sáng lập công ty sau khi "nghĩ về những thay đổi lớn nhất có thể làm được cho thế giới này".
Bước ngoặt xảy đến vào tháng 10.2015, khi tờ Wall Street Journal có bài viết nghi ngờ sự chính xác của Edison - thiết bị thử máu của Theranos. Wall Street Journal cho rằng Theranos chỉ sử dụng công nghệ của công ty với số ít xét nghiệm trong tổng số 240 xét nghiệm đã thực hiện. Phần lớn các xét nghiệm được thực hiện bằng cách rút máu từ cánh tay theo kiểu truyền thống, chứ không phải "vài giọt máu" từ ngón tay. Trên website công ty, Theranos cho biết thông tin trên Wall Street Journal không chính xác và hoàn toàn dựa trên các nguồn giấu tên.
Tháng 1.2016, Trung tâm Dịch vụ Y tế (CMS), một trong những cơ quan liên bang quản lý việc xét nghiệm máu, cho biết Theranos vi phạm ít nhất 5 quy định về xét nghiệm. Vì thế, CMS đề nghị cấm Elizabeth Holmes tham gia điều hành và sở hữu một phòng xét nghiệm nào trong ít nhất 2 năm.
Theranos sau đó đã có hàng loạt động thái nhằm xoa dịu CMS. Công ty thu hồi hàng ngàn kết quả kiểm tra bằng máy Edison trong năm 2014, 2015 và công bố lại bản chỉnh sửa. Song, CMS vẫn chưa cho biết sẽ có quyết định pháp lý chính thức nào với Theranos.
Ngày 26.5.2016, một khách hàng nộp đơn kiện Theranos vì xét nghiệm máu sai. Người này cho biết anh đại diện tất cả khách hàng từng sử dụng dịch vụ của công ty ở Arizona và toàn nước Mỹ. Anh cáo buộc Theranos dùng thông tin sai lệch để thu hút khách hàng và không tuân thủ các quy định liên bang. Theranos cho biết sẽ đối đầu với tất cả cáo buộc này.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ sau đó bắt đầu điều tra về Theranos. Tháng 6.2016, Forbes điều chỉnh tài sản của Elizabeth Holmes từ 4,5 tỉ USD xuống 0. Định giá Theranos cũng về 800 triệu USD.
Walgreens, đối tác bán lẻ lớn nhất của Theranos khi đó, chấm dứt hợp tác với hãng này và cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ 40 Theranos Wellness Center. Tháng 7.2016, CMS cấm Elizabeth Holmes điều hành bất kỳ phòng xét nghiệm nào trong ít nhất 2 năm.
Elizabeth Holmes tìm cách cứu vãn công ty khi ra mắt thiết bị xét nghiệm có tên miniLab. Tuy nhiên, việc này cũng không giúp Theranos lật ngược ván cờ. Theranos sau đó lần lượt bị các nhà đầu tư và đối tác kiện đòi bồi thường vì lừa đảo chứng khoán và vi phạm hợp đồng. Công ty phải sa thải hàng trăm nhân viên và dàn xếp pháp lý với từng đối tác.
Tháng 3.2018, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) buộc tội Elizabeth Homes và Ramesh "Sunny" Balwani (cựu giám đốc Theranos) lừa đảo quy mô lớn. Hai người đã huy động vốn từ nhà đầu tư "thông qua một cơ chế lừa đảo tinh vi, lâu năm, dựa vào việc phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh và tình hình tài chính của công ty".
SEC cho rằng Theranos khiến các đối tác hiểu nhầm về công nghệ và đã sử dụng máy móc của bên thứ ba, thay vì của chính mình, rồi chỉnh sửa để thực hiện một số xét nghiệm. Theranos còn bị cáo buộc lừa dối về doanh thu dự báo, cũng như khẳng định với nhà đầu tư rằng họ đã được giới chức cấp phép sử dụng công nghệ xét nghiệm. Theranos và Holmes cũng bị cho là "dùng từ ngữ sai lệch" trong các văn bản truyền thông để đánh bóng tên tuổi.
Vài tháng sau, Elizabeth Holmes từ chức giám đốc điều hành và Theranos cũng bị giải thể.
Ngày 18.11.2022, thẩm phán tuyên án Elizabeth Holmes 11 năm 3 tháng tù, cộng thêm 3 năm giám sát sau khi cô được thả. Hình phạt được đưa ra sau 10 tháng bồi thẩm đoàn kết tội Elizabeth Holmes với 4 tội danh lừa đảo các nhà đầu tư vào Theranos.
Elizabeth Holmes nỗ lực xin được tại ngoại khi kháng cáo bản án về tội lừa đảo, nhưng đơn của cô đã bị bác bỏ.