New York Times phá lệ, cùng lúc ủng hộ hai ứng viên tổng thống
Báo New York Times đã phá lệ khi tuyên bố ủng hộ đến hai nữ ứng viên đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, và nói hai người đại diện cho hai trường phái trong đảng.
Hai ứng viên được New York Times ủng hộ là các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Amy Klobuchar.
Trong bài viết giải thích sự ủng hộ này, ban biên tập tờ báo nhận xét rằng đang có cuộc giằng co giữa hai tầm nhìn bên trong đảng Dân chủ: một bên ôn hòa, một bên cấp tiến.
Ủng hộ hai ứng viên tốt nhất hai trường phái
Bên ôn hòa (đại diện là bà Amy Klobuchar) tin rằng vấn đề của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump chỉ là nhất thời, và cần phải đưa Mỹ quay trở về bình thường, sự ổn định. Nhưng bên cấp tiến (bà Elizabeth Warren) lại cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống Trump là sản phẩm của hệ thống chính trị, kinh tế đã mục nát hiện tại, và cần phải thay đổi toàn diện.
Cả hai bên đều cần được cân nhắc nghiêm túc, dù là theo các ý tưởng hoàn toàn mới và lạ hay quay về với sự ổn định, New York Times bình luận.
Như thể bầu cử 2020 là cuộc chạy đua giữa ba tầm nhìn dành cho nước Mỹ, giữa hai phe trong đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump.
“Người Mỹ đang đứng trước ba mô hình điều hành đất nước, chứ không phải hai. Đảng Dân chủ phải chọn giữa hai mô hình, xem mô hình nào hợp lý nhất để giải quyết những vấn đề của đất nước”, tờ báo viết trong bài xã luận ngày 19/1.
“Truyền thống của ban biên tập là ủng hộ một ứng viên với cách tiếp cận truyền thống nhằm đưa đất nước tiến về phía trước... nhưng những năm qua đã làm lung lay lòng tin... vì vậy, chúng tôi ủng hộ ứng viên hiệu quả nhất cho mỗi cách tiếp cận”, theo bài xã luận.
Sự ủng hộ này được công bố chỉ hai tuần trước bầu cử sơ bộ quan trọng tại bang Iowa ngày 3/2, mở đầu cho hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ.
Ứng viên cấp tiến với kế hoạch thực tế
New York Times khen ngợi thượng nghị sĩ Elizabeth Warren là người rất thuyết phục khi lập luận hệ thống kinh tế Mỹ bất công đối với người bình thường, có lợi cho người giàu. Bà cũng cam kết chống tham nhũng và đề xuất cải thiện quan hệ với NATO vốn đã đang căng thẳng trong thời đại Tổng thống Trump.
Bà chứng tỏ mình có cách tiếp cận nghiêm túc trong làm chính sách, và dự định tăng đầu tư liên bang vào năng lượng sạch, giảm dần nhiên liệu hóa thạch. Bà cũng đề xuất tăng hỗ trợ chính phủ cho mọi mặt đời sống ở Mỹ, bao gồm miễn phí trông trẻ, miễn phí đại học công và mở rộng an sinh xã hội.
Khi từng là cố vấn cho cựu tổng thống Obama, thành tựu nổi bật của bà Warren là tạo ra Cục Bảo vệ Người tiêu dùng Tài chính (CFPB) - củng cố hình ảnh của bà là một chính khách “vì người dân”. Bà có cách hiểu sâu sắc về những đòn bẩy quyền lực khác nhau trong chính quyền, đặc biệt là thay đổi chính sách bằng các quy định, New York Times nhận định.
Việc dùng các quyền hạn sẵn có để thay đổi chính sách là quan trọng, vì không phải thông qua luật. Hiện nay Tòa án Tối cao của Mỹ đa số là các thẩm phán bảo thủ. Nếu cố viết luật mới để thay đổi chính sách theo hướng cấp tiến (ví dụ như ý tưởng của bà Warren đánh thuế 2% lên tài sản các tỷ phú), có thể dẫn đến kiện tụng lên Tòa Tối cao, bất lợi cho một tổng thống Dân chủ như bà Warren.
Người cạnh tranh với bà Warren trong phe cấp tiến của đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Nhưng báo New York Times cho rằng cách tiếp cận quá “dứt khoát”, cho rằng “chỉ mình ông là đúng” sẽ khiến ông Sanders không được lòng Washington.
Dù ông Sanders luôn hứa hẹn rằng khi ông đắc cử, ông sẽ nhận được sự ủng hộ đồng loạt, giúp ông thông qua nghị trình mang tính cách mạng của mình. Nhưng báo New York Times cho rằng nếu ông Sanders lên làm tổng thống, nước Mỹ sẽ chỉ thay một tổng thống luôn hứa quá nhiều nhưng gây chia rẽ của đảng Cộng hòa (tức ông Trump) bằng một nhân vật khác tương tự.
Đại diện phe trung dung
Nếu bà Warren đại diện cho những ý tưởng thay đổi xa và lạ, thì Thượng nghị sĩ Klobuchar lại là gương mặt đáng tin cậy nhất của phe trung dung trong đảng Dân chủ.
“Với sự phân cực trong Washington như hiện nay, người có cơ hội tốt nhất để thực hiện các thay đổi cấp tiến có lẽ là bà Klobuchar”, theo bình luận của New York Times.
Công tác lâu năm trong Thượng viện Mỹ và thường xuyên có những dự luật được cả hai đảng ủng hộ, bà Klobuchar có uy tín của một người chuyên tìm được thỏa thuận và có khả năng đoàn kết các phe phái trong nội bộ đảng, hay thậm chí là các phe phái đang chia rẽ nước Mỹ.
Hàng loạt các đề xuất thực tế của bà bao gồm đầu tư hạ tầng xanh và giảm khí thải, để Mỹ trở thành đất nước carbon trung tính trước 2050. Bà cam kết giảm tỷ lệ đói nghèo trong số trẻ em xuống một nửa, mở rộng chương trình tem phiếu, mở rộng cải cách nhà đất, và đã có kế hoạch chi tiết nhất đối phó với các vấn đề sức khỏe tâm lý.
Bà cũng sẽ thúc đẩy các lựa chọn công trong y tế, đại học miễn phí, và nâng lương tối thiểu lên 15 USD một giờ.
Không có phong cách hào nhoáng, bà Klobuchar chưa thành công trong việc thu hút chú ý trên toàn quốc, nhưng ở bang Minnesota quê nhà, bà được ủng hộ mạnh mẽ. Bà luôn thắng lợi vang dội trước các đối thủ. Bà thắng 51 trên 87 hạt của bang trong bầu cử giữa kỳ năm 2018, so với Hillary Clinton vào năm 2016 chỉ thắng 9 hạt.
Nhân vật có khuynh hướng trung dung, truyền thống “nặng ký” khác trong đảng Dân chủ là cựu phó tổng thống Joe Biden - một chính khách đầy ảnh hưởng lên đối ngoại và đầy sự gần gũi, nồng ấm. Nhưng báo New York Times cho rằng việc ông Biden dẫn đầu thăm dò toàn quốc đa phần là vì ông được biết đến từ lâu, chưa hẳn do cử tri bị thuyết phục.
Các ý tưởng của ông đa phần nhấn mạnh việc đánh bại Donald Trump và đưa nước Mỹ trở về với thời trước ông Trump. “Nhưng chỉ khôi phục lại hiện trạng trước kia sẽ không đưa cả xã hội Mỹ đi lên. Ông Biden đã 77 tuổi, đã đến lúc ông chuyền đuốc cho một thế hệ lãnh đạo khác”, tờ báo bình luận.
Cuộc chạy đua bên phía đảng Dân chủ hứa hẹn nhiều bất ngờ, báo New York Times cho biết thêm.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đang dẫn đầu một số thăm dò ở riêng bang Iowa. Một thắng lợi ở Iowa sẽ tạo đà lớn cho ứng viên, nhận được sự chú ý trên cả nước, và có thể giúp huy động thêm tiền.
Về phía bà Amy Klobuchar, dù bà không dẫn đầu, vẫn còn quá sớm để loại bà ra khỏi cuộc đua. Thượng nghị sĩ John Kerry, ứng viên giành được vé bên đảng Dân chủ năm 2004, cũng chỉ đang có mức ủng hộ một chữ số trong các thăm dò vào cùng giai đoạn này trong tranh cử sơ bộ.