New Zealand đứng đầu thế giới về xây dựng khu bảo tồn trên đảo
Các hòn đảo là điểm nóng toàn cầu về đa dạng sinh học. Dù chỉ chiếm 5% diện tích đất liền của Trái Đất nhưng lại là địa điểm sinh sống của 40% động vật có xương sống có nguy cơ cao ngày nay.
New Zealand là quốc gia đứng đầu thế giới trong công cuộc xây dựng các khu bảo tồn trên những hòn đảo.
Kết luận này được đưa ra trong nghiên cứu công bố ngày 11/8 về hơn 100 năm nỗ lực ngăn chặn động vật có vú xâm lấn trên 998 hòn đảo thuộc quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương này.
Theo nghiên cứu mới do Đại học Auckland và Viện nghiên cứu Landcare của New Zealand thực hiện, công tác loại bỏ mối đe dọa nghiêm trọng từ các loài xâm lấn đảo đã được triển khai rộng khắp trên thế giới với tỷ lệ thành công cao và duy trì ổn định theo thời gian.
Đây là chìa khóa để bảo vệ động thực vật bản địa, tạo ra khả năng phục hồi hệ sinh thái trước vấn đề biến đổi khí hậu cũng như mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Theo nghiên cứu, các hòn đảo là điểm nóng toàn cầu về đa dạng sinh học. Dù chỉ chiếm 5% diện tích đất liền của Trái Đất, nhưng lại "đóng góp" tới 61% số vụ tuyệt chủng kể từ những năm 1500 và là địa điểm sinh sống của 40% động vật có xương sống có nguy cơ cao ngày nay.
Các loài xâm lấn, đặc biệt là các loài động vật có vú như chuột, mèo và dê, dù được con người đưa đến các hòn đảo một cách vô tình hay cố ý đều mang lại những hậu quả gây hại như tuyệt chủng do chúng ăn thịt các loài bản địa và phá hủy môi trường sống. Việc loại bỏ hoàn toàn các loài xâm lấn khỏi các hòn đảo được chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất để ngăn chặn và đảo ngược những thiệt hại này.
Phân tích của nhóm nghiên cứu cho rằng 8 quốc gia đảm trách 80% nỗ lực ngăn chặn loài xâm lấn đảo gồm New Zealand, Australia, Pháp, Anh, Mỹ, Mexico, Seychelles và Ecuador.
Nhiều quốc gia trong số này đã thành công nhiều dự án nhỏ, đặc biệt nhằm vào loài chuột ở các đảo nhỏ, và đang tập trung vào các dự án diệt trừ lớn hơn đối với nhiều loài khác nhau.
Bà Dena Sptaz, tác giả chính của nghiên cứu cho biết năm 2016, các nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu trong việc loại bỏ loài chuột xâm lấn khỏi New Zealand và Australia để giúp bảo vệ các giống loài bản địa và đặc hữu khỏi nguy cơ tuyệt chủng như vẹt đuôi dài./.