New Zealand hỗ trợ 28 triệu USD cho các nỗ lực phát triển của Cộng đồng ASEAN
Ngày 14-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - New Zealand. Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi tham dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Jacinda Ardern tái đắc cử cương vị Thủ tướng New Zealand. Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - New Zealand và 5 năm hình thành đối tác chiến lược; nhấn mạnh phát huy nền tảng hợp tác giữa ASEAN và New Zealand, hai bên sẽ cùng nhau vượt qua những thách thức hiện nay.
Thủ tướng đánh giá, hướng tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trên tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng và chiến lược “Triển khai mạnh mẽ, triển khai sớm” của New Zealand là những định hướng kịp thời, phù hợp giúp hai bên đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Về phần mình, Thủ tướng New Zealand đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN, với vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, trong ứng phó với những thách thức do Covid-19 gây ra. Thủ tướng Jacinda Arden khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, nghiên cứu và phát triển vắc xin, bảo đảm cung ứng đồng đều vắc xin, đồng thời hỗ trợ ASEAN thúc đẩy phục hồi bền vững, duy trì kết nối chuỗi cung ứng.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden (giữa) trao đổi với các lãnh đạo ASEAN tại hội nghị.
Nhân dịp này, Thủ tướng New Zealand công bố đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; dành 12 triệu USD hỗ trợ cho nỗ lực ứng phó dịch bệnh trong khu vực; hỗ trợ 10 triệu USD cho nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và 5 triệu USD cho hoạt động của Ủy hội Mê Kông.
Về phục hồi kinh tế, New Zealand ủng hộ các sáng kiến của ASEAN đặt ra ưu tiên cho phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau, ủng hộ Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Trong hợp tác kinh tế khu vực, New Zealand đề cao thương mại đa phương rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng New Zealand mong đợi ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), coi đây là dấu mốc quan trọng trong năm 2020. Hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025.
Quan ngại sâu sắc về những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới đời sống người dân và các nền kinh tế, hai bên nhất trí từng bước tái mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị kinh tế - thương mại. Trên cơ sở đó, các bên cho rằng, cần hướng tới nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand, bổ trợ cho Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các lãnh đạo khẳng định, các quốc gia cần chung tay đóng góp để duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Nhấn mạnh vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn gắn chặt với không gian an ninh và phát triển của các quốc gia ASEAN và New Zealand, các nhà lãnh đạo quan ngại rằng, tại Biển Đông vẫn tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định, và những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây bất ổn, làm phức tạp tình hình, gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực.
Toàn cảnh đầu cầu hội nghị tại Hà Nội.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), coi đây là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.
ASEAN hoan nghênh New Zealand đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mong muốn New Zealand ủng hộ các nỗ lực đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông đã được khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 cũng như tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN - New Zealand nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ đối thoại với chủ đề: Một di sản hợp tác - Một tương lai chung.