New Zealand hỗ trợ gần 30 tỉ cho Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Hôm nay, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson, cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ công bố gói hỗ trợ trị giá 2 triệu đô la New Zealand (29,5 tỉ đồng).
Gói hỗ trợ này bao gồm 1 triệu đô la New Zealand cho hỗ trợ vật tư y tế được triển khai thông qua UNICEF và 1 triệu đô la New Zealand trọng tâm vào phục hồi sinh kế cho cộng đồng yếu thế ở Việt Nam thông qua tổ chức CARE Quốc tế và Oxfam tại Việt Nam.
Hỗ trợ nhân đạo luôn là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược New Zealand – Việt Nam. Đại sứ Tredene Dobson chia sẻ: “Dự án áp dụng cả hai hướng tiếp cận nhằm mục tiêu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Một mặt, Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục ứng phó với đại dịch, và đó là lý do Aotearoa New Zealand phối hợp cùng UNICEF để cung cấp thiết bị y tế đến những địa phương hiện cần tiếp tục ứng phó an toàn và hiệu quả với dịch bệnh.
Song song với đó, đứng trước những tác động lớn của đại dịch lên nền kinh tế và sau quá trình tham vấn với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi muốn đảm bảo rằng dự án này cũng sẽ góp phần hỗ trợ phục hồi sinh kế cho những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam, cả ở các thành phố lớn cũng như các vùng nông thôn hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Với sự hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác đáng tin cậy, tôi hi vọng cách tiếp cận toàn diện này sẽ góp phần tạo ra một lộ trình phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Hơn bất kỳ lúc nào hết, chúng ta cần nhanh chóng hành động nhằm hướng tới mục tiêu chung hỗ trợ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và bền vững”.
Hợp phần hợp tác cùng UNICEF tập trung vào việc cung cấp các thiết bị y tế hỗ trợ triển khai kế hoạch tiêm chủng và chữa bệnh cho trẻ em Việt Nam. Trưởng đại diện của UNICEF Việt Nam, Bà Rana Flowers cho biết:
“Các dịch vụ y tế cơ bản và các dịch vụ xã hội khác trong hệ thống y tế bị gián đoạn nghiêm trọng trên toàn thế giới, kể cả các dịch vụ y tế không liên quan đến Covid. Điều này đã có tác động đáng kể đến sức khỏe của trẻ em và phụ nữ bên cạnh những tác động của đại dịch.
Mặc dù cần phải tập trung vào việc ứng phó với đại dịch, nhưng hệ thống y tế cũng cần phải tăng cường sự chuẩn bị cho các đợt dịch bùng phát trong tương lai. Bằng chứng cho thấy các quốc gia có chi tiêu y tế bình quân dưới 150 USD/người sẽ không thể chuẩn bị đầy đủ hoặc ứng phó tốt với các đại dịch trong tương lai. Các quốc gia này sẽ không thể thu hẹp khoảng cách trong tiêm chủng hoặc đạt được các mục tiêu của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Dựa trên những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam, điều quan trọng hiện nay là cần phải đầu tư nhiều hơn vào tăng cường hệ thống y tế, để trẻ em và người dân có cơ hội sống và phát triển tốt hơn trong tương lai. Các thiết bị y tế được New Zealand tài trợ sẽ góp phần vào việc chuẩn bị của hệ thống y tế cho các đợt dịch bùng phát trong tương lai".
Mặt khác, các dự án được triển khai bởi tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Oxfam tại Việt Nam sẽ hỗ trợ tổng cộng 5.400 người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Phần lớn gói hỗ trợ sẽ được trực tiếp chuyển tới những phụ nữ, người tàn tật và cộng đồng người thiểu số hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Trị và Hà Giang.
Trong hai năm vừa qua, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác như Oxfam, CARE Quốc tế, ActionAid Việt Nam, East Meets West, Tổng Liên đoàn Lao động, Trung tâm giáo dục hòa nhập quận Tân Bình và SCDeaf triển khai thành công nhiều dự án giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.