New Zealand - một 'thiên đường du học' khác dành cho Việt Nam
Nhận học bổng Thành tựu dành cho sinh viên quốc tế, Đại học Victoria Wellington, Thi Nguyễn – nữ sinh Việt Nam chia sẻ: 'New Zealand là một trong những đất nước hòa bình nhất trên thế giới và học tập tại đây mang đến cho tôi những trải nghiệm quý báu nhất trong cuộc đời'.
Lễ trao Học bổng New Zealand Schools năm 2019 cho học sinh Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Có lẽ, cảm nhận của Thi Nguyễn cũng là chia sẻ của nhiều du học sinh và cựu du học sinh từng có cơ hội học tập và nghiên cứu tại đất nước tuyệt vời này. Không chỉ sở hữu hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới, New Zealand còn là một đất nước đa văn hóa, luôn nhiệt tình đón chào sự đa dạng mà sinh viên quốc tế mang đến cho trường học và cộng đồng bản xứ...
Nhịp cầu hợp tác giáo dục
Trên thực tế, Việt Nam đang nằm trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á về số lượng du học sinh tại New Zealand với khoảng 2.770 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây. Trong năm 2016, gần một nửa sinh viên Việt Nam tại New Zealand theo học bằng cử nhân, trong khi số lượng học bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) chiếm hơn một phần ba. Riêng số du học sinh bậc trung học tăng 39% vào năm 2018 và vẫn tiếp tục tăng lên.
Đặc biệt, nhiều trường của New Zealand hiện có chương trình liên kết đào tạo với các trường đối tác tại Việt Nam. Đây được xem là một trong những nỗ lực để đưa các học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến như New Zealand.
Đại học Victoria Wellington cung cấp một số chương trình liên kết bậc thạc sĩ và cử nhân như chương trình cử nhân Thương mại liên kết với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chương trình cử nhân Quan hệ quốc tế với Học viện Ngoại giao Việt Nam và chương trình thạc sĩ về Giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài (TESOL) với Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Đại học Massey cũng thực hiện nhiều chương trình hợp tác với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các chương trình đào tạo thạc sĩ Tài chính, thạc sĩ Kinh doanh (chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực) và cử nhân Kinh doanh. Ngoài ra, Đại học Massey còn mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như tổ chức các chuyến tham quan học tập và trao đổi học sinh với trường THPT Việt Đức, hay các chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên và các khóa học ngắn về Giáo dục và Sư phạm Ngôn ngữ với trường Đại học An Giang.
Đại học Công nghệ Auckland (AUT) hiện có chương trình Cử nhân liên kết với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ngoài ra, cùng với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Waikato còn thành lập Trung tâm Anh ngữ UEH-Waikato, đồng thời giới thiệu chương trình bán du học (2 năm tại Việt Nam + 1-2 năm tại New Zealand) cho khóa cử nhân Kinh doanh.
Năm 2017 cũng là cột mốc kỷ niệm 10 năm hợp tác giữa Đại học Công nghệ Auckland với Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh thông qua chương trình liên kết Cử nhân Khoa học máy tính. Hiện Đại học Waikato và Học viện An ninh Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận về việc hợp tác đào tạo đại học và sau đại học trong các lĩnh vực như an ninh mạng, luật, khoa học máy tính và an ninh môi trường.
Những năm qua, Chương trình Hỗ trợ phát triển New Zealand ưu tiên dành cho Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực và giáo dục. Cụ thể học bổng New Zealand-ASEAN (NZAS) dành cho bậc sau đại học, trong đó tập trung vào các khóa học thuộc lĩnh vực phù hợp với New Zealand và ASEAN. Tại chương trình này, Việt Nam được phân bổ 30 suất học bổng mỗi năm. Từ năm 1994, 274 cá nhân tại Việt Nam đã được trao học bổng danh giá từ chính phủ New Zealand.
Đối với chương trình Bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ chính phủ (ELTO), 10 cán bộ tham gia khóa học tiếng Anh theo chủ đề cụ thể trong 22 tuần tại New Zealand. Tính đến nay, hơn 485 cán bộ Chính phủ Việt Nam đã tham gia chương trình ELTO tại New Zealand.
Đặc biệt, vào năm 2019, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) - cơ quan trực thuộc chính phủ New Zealand hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đã ký Biên bản Thỏa thuận hợp tác về Giáo dục giữa Sở Giáo dục Hà Nội và Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh.
Riêng bậc đại học, số lượng sinh viên Việt Nam theo học ở New Zealand nằm trong tốp 5 nước có nhiều sinh viên theo học nhất. Tính đến tháng 8/2017, số lượng Visa sinh viên Việt Nam được cấp lần đầu tăng 64% so với năm 2016, trong khi tốc độ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 29%.
... và những cơ hội vàng
Hiện có hơn 131.000 học sinh, sinh viên quốc tế đang du học tại New Zealand. Đáng chú ý, tất cả các trường đại học New Zealand đều được xếp hạng trong Top 3% trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS các Đại học tốt nhất thế giới. New Zealand cũng được Economist Intelligence Unit xếp thứ nhất trên Bảng chỉ số Giáo dục chuẩn bị cho tương lai năm 2017 và Bảng chỉ số Hòa bình toàn cầu 2017 ghi nhận New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh yên bình thứ hai thế giới.
Với các du học sinh, New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra Quy chế Bảo trợ và Chăm sóc sinh viên quốc tế. Các cuộc khảo sát và thăm dò ý kiến sinh viên quốc tế gần đây cho thấy các du học sinh đều có ấn tượng rất tốt khi du học tại đây. Tỷ lệ hài lòng của sinh viên tham gia chương trình Khảo sát Sinh viên Quốc tế (IBS) trong năm 2014-2015 lên đến 94%.
Chính Vinh Lê - cựu sinh viên Việt Nam của chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu kinh doanh tại Đại học Otago cho biết, môi trường học tập thân thiện và nồng hậu của New Zealand đã giúp anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống du học sinh. “Người dân New Zealand rất thân thiện và nhiệt tình. Nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ của mọi người ở New Zealand, tôi đã có thể thích ứng với cuộc sống ở đây một cách nhanh chóng”, anh chia sẻ.
My Nguyễn - cựu sinh viên Đại học Auckland hiện đang giữ vị trí quản lý tại Công ty Trilect - New Zealand và phụ trách dịch vụ bảo trì điện cho các khu nhà do nhà nước quản lý. Với chị, quá trình học tập tại Đại học Auckland đã trang bị cả kiến thức học thuật và những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Là cử nhân ngành thương mại, chị nắm bắt được cách thức vận hành của thị trường và điều hành doanh nghiệp, quan trọng nhất là làm thế nào để thích ứng với môi trường làm việc thực tiễn tại New Zealand.
Từ tháng 7/2017, ba Trung tâm Sinh viên Xuất sắc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CAPEs) được thành lập và tài trợ bởi Chính phủ New Zealand nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa và hợp tác kinh tế giữa New Zealand và khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Mỹ Latinh. Không chỉ vậy, New Zealand cũng đang khuyến khích nhiều sinh viên bản xứ đi du học nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.
Kể từ năm 2013, có hơn 700 sinh viên New Zealand đã được trao học bổng du học tại nước châu Á thông qua Chương trình học bổng Thủ tướng Chính phủ New Zealand. Quốc gia này cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên New Zealand theo học ở khắp nơi trên thế giới thông qua các quan hệ đối tác được thiết lập giữa các trường đại học New Zealand và các trường đại học khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Trải nghiệm học tập ở New Zealand không chỉ rèn luyện cho tôi những kỹ năng để phát triển nghề nghiệp của mình, mà còn mở rộng tầm nhìn của bản thân đối với các vấn đề toàn cầu, từ đó giúp tôi chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những thử thách tại địa phương”.
Đoàn Thanh Hải - cựu sinh viên của NZAS, hiện là trưởng nhóm dự án của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) - một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam