Ngã ba đường của 'con quái vật' ngành dầu khí Mỹ

Giữa lúc ông Biden sắp lên nắm quyền ở Mỹ, hãng dầu khí lớn nhất nước này Exxon Mobil đang ở thế khó khi phải tìm chỗ đứng trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu.

Trong lịch sử hơn 135 năm, công ty dầu khí hàng đầu của Mỹ thực sự là “kẻ sống sót”. Exxon Mobil đã sống sót qua các cuộc chính biến, những lần đầu tư thất bại, và cả thảm họa tràn dầu Exxon Valdez. Bất chấp khó khăn, công ty này vẫn có lãi.

Nhưng giờ đây, những rủi ro tiềm ẩn bỗng nhiên bị phơi bày do đại dịch Covid-19. Từng là một trong những công ty Mỹ có lợi nhuận cao nhất, giá trị lớn nhất, Exxon giờ đã thua lỗ 2,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Giá cổ phiếu đã giảm 35% trong năm nay. Hồi tháng 8, Exxon bị gạt ra khỏi nhóm các cổ phiếu dùng để tính chỉ số công nghiệp Dow Jones, bị công ty phần mềm Salesforce thay thế.

Nhà phân tích ngành năng lượng Jennifer Rowland của công ty tài chính Edward Jones bình luận: “Exxon có phải là người sống sót không?... Tất nhiên là vậy, với tài sản toàn cầu, chuyên môn và con người vượt bậc. Nhưng câu hỏi thực sự là, họ có thể phát triển hay không? Điều đó đang bị hoài nghi khá nhiều”.

 Một tàu khoan của Exxon Mobil ngoài khơi Guyana. Exxon Mobil có kế hoạch khoan dầu nhiều hơn ở đó và các nước khác giữa lúc các lãnh đạo thế giới muốn đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu. Ảnh: New York Times.

Một tàu khoan của Exxon Mobil ngoài khơi Guyana. Exxon Mobil có kế hoạch khoan dầu nhiều hơn ở đó và các nước khác giữa lúc các lãnh đạo thế giới muốn đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu. Ảnh: New York Times.

Sức ép về vấn đề môi trường

Exxon đang chịu sức ép từ các cổ đông phải cắt giảm chi phí, cải thiện danh tiếng về bảo vệ môi trường. Bang New York thì đang đe dọa sẽ bán cổ phần trong các công ty dầu khí nếu họ không có chuyển biến nhanh trong việc giảm phát thải.

Tất nhiên, không chỉ Exxon, mà mọi công ty dầu khí đều đang khó khăn trong bối cảnh nhu cầu năng lượng giảm, và các lãnh đạo thế giới, sắp tới sẽ bao gồm tổng thống đắc cử Joe Biden, đang cam kết đối phó mạnh mẽ với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra nhiều công ty năng lượng và xe hơi đã cam kết giảm nhiên liệu hóa thạch, và tăng cường theo đuổi năng lượng gió, mặt trời, cũng như xe điện.

Các công ty châu Âu như Royal Dutch Shell và BP đã bắt đầu giảm dần nhiên liệu hóa thạch. Nhưng Exxon, giống hầu hết công ty dầu khí Mỹ khác, lại có kế hoạch đẩy mạnh dầu khí hơn, và đầu tư khá ít vào các công nghệ có thể làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Exxon vẫn kiên định với chiến lược của mình dù một số canh bạc của tập đoàn này đang thua lỗ. Gần đây, Exxon cho biết đã phải điều chỉnh giá trị của các mỏ khí thiên nhiên của hãng, hạ xuống 20 tỷ USD. Exxon cũng đang sa thải khoảng 14.000 nhân viên, khoảng 15% toàn bộ nhân lực, trong năm tới nhằm giảm chi phí.

Trong ngành dầu khí, Exxon nổi tiếng là một công ty biệt lập có văn hóa cứng nhắc, không muốn chấp nhận thay đổi. Họ thậm chí đã như vậy từ thời John D. Rockefeller thành lập công ty vào cuối thế kỷ 19 với tên gọi Standard Oil, công ty sau này bị chính phủ chia tách vì độc quyền.

Nhà sáng lập Rockefeller tạo ra một văn hóa luôn đi theo con số. Giới lãnh đạo Exxon thường là các kỹ sư đã dành cả sự nghiệp leo nấc thang chức vụ, và luôn tỏ ra quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, dù là cấm vận hay chiến tranh. Sự tự tin, táo bạo như vậy là cần thiết đối với một công ty làm ăn ở những nơi nguy hiểm, khắc nghiệt của thế giới.

 Một nhà máy lọc dầu của Exxon ở Baton Rouge, Louisiana. Ảnh: New York Times.

Một nhà máy lọc dầu của Exxon ở Baton Rouge, Louisiana. Ảnh: New York Times.

Khó khăn chồng chất từ nhiều năm trước

Chủ tịch và CEO của Exxon, Darren Woods, tỏ ra bình tĩnh, tự tin như những người tiền nhiệm nổi tiếng của ông, vốn là các nhân vật nổi bật trong ngành: Lee Raymond, người bác bỏ lo ngại về biến đổi khí hậu trong thập niên 1990 và 2000, và Rex Tillerson, mà sau này trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Nhưng cũng vì di sản của hai người này, ông Woods đang dẫn dắt một công ty gặp nhiều khó khăn hơn.

Việc ông Raymond bác bỏ biến đổi khí hậu làm uy tín Exxon bị tổn hại. Còn ông Tillerson lại chậm chạp trong việc đầu tư vào khai thác nhiên liệu từ đá phiến, vốn là cơ hội lớn của ngành dầu mỏ Mỹ sau đó. Các khoản đầu tư của ông Tillerson vào Liên Xô và Iraq cũng trở thành những thất bại đắt đỏ, vì đều mua lúc giá dầu khí lên cao, nhưng sau đó phải điều chỉnh giảm giá trị vì giá dầu khí xuống thấp.

“Ông Darren Woods thừa hưởng một công ty đã có những canh bạc lớn trong các năm gần đây mà cuối cùng lại không thành”, theo Fadel Gheit, một nhà phân tích của Phố Wall đã về hưu, từng là kỹ sư nghiên cứu và phát triển ở công ty mà sau này sáp nhập với Exxon.

“Exxon Mobil như một chiếc du thuyền lớn... không thể thay đổi hướng đi trong một đêm. Họ có thể vững vàng qua các trận bão, nhưng sẽ không đi xa. Họ sẽ phải tự thay đổi để có chỗ đứng”, ông nói với New York Times.

Trong những năm đầu tiên lên lãnh đạo, ông Woods đi theo định hướng chung mà ông Tillerson đề ra, như vay vốn và đầu tư nhiều để mở rộng sản xuất. Nhưng dịch bệnh buộc ông Woods phải thay đổi hướng đi. Exxon giờ lên kế hoạch chi vào thăm dò và sản xuất ít hơn 1/3 so với dự định, tính đến năm 2025.

Nhưng dù vậy, thay đổi của Exxon cũng không thể so được với các công ty dầu khí châu Âu. Chẳng hạn, BP đã tuyên bố tăng gấp 10 lần tiền đầu tư vào mảng kinh doanh phát thải thấp, lên 5 tỷ USD mỗi năm, đồng thời giảm sản lượng đầu khí 40%.

 Các thiết bị bơm được đặt tại khu vực lòng chảo Permian, một trong những mỏ dầu khí lớn nhất thế giới, nơi Exxon đang đầu tư hàng tỷ USD. Ảnh: New York Times.

Các thiết bị bơm được đặt tại khu vực lòng chảo Permian, một trong những mỏ dầu khí lớn nhất thế giới, nơi Exxon đang đầu tư hàng tỷ USD. Ảnh: New York Times.

Hướng đầu tư của Exxon

Các lãnh đạo của Exxon cũng thừa nhận việc thay đổi là cần thiết. Nhưng họ vẫn khẳng định việc đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió là không hợp lý. Thay vào đó, Exxon đang đầu tư để có những công nghệ đột phá, chẳng hạn ý tưởng dùng tảo để tạo ra nhiên liệu cho xe tải và máy bay.

Vijay Swarup, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của Exxon, nói với New York Times rằng công ty hiểu rằng mình cần giảm phát thải, và đang tạo ra các loại nhiên liệu tốt hơn.

Exxon cũng đang đặt cược vào các nghiên cứu sẽ giúp thu lại carbon, hoặc chuyển carbon thải ra từ hoạt động công nghiệp thành nhiên liệu, có thể tạo ra thêm năng lượng.

Các chuyên gia năng lượng cho biết việc Exxon có thể nghiên cứu ra các ứng dụng mới cho CO2 là hoàn toàn khả thi, như gia cố bêtông hay tạo ra vật liệu sợi carbon, tiềm năng thay thế thép và các vật liệu khác.

Tạm thời, giá dầu và khí đã tăng, do sự lạc quan về vaccine phòng Covid-19, kéo theo cổ phiếu Exxon cũng tăng. Nhưng đối với John Browne, cựu CEO của BP, hiện vẫn chưa rõ liệu Exxon và các hãng lớn của Mỹ có thể chuyển đổi đủ để đến được một tương lai carbon thấp.

Trọng Thuấn

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-ba-duong-cua-con-quai-vat-nganh-dau-khi-my-post1163193.html