Nga: Bác sĩ mặc 'áo giáp' gắp viên đạn chưa phát nổ ra khỏi ngực binh sĩ
Các bác sĩ Nga đã thực hiện thành công ca phẫu thuật 'độc nhất vô nhị' liên quan đến việc gắp đạn chưa nổ ra khỏi cơ thể một binh sĩ bị thương. Để đề phòng nguy cơ đạn phát nổ trong khi phẫu thuật, các bác sĩ đã phải mặc áo chống đạn bên ngoài áo blouse.
Ca mổ được thực hiện bởi một nhóm các bác sĩ quân y từ Bệnh viện Quân đội Trung ương (thuộc Bộ Quốc phòng Nga) tại một phòng khám ở Vùng Belgorod, gần biên giới với Ukraine.
Binh sĩ bị thương - Nikolay Pasenko - nhập viện với vết thương thấu ngực sau khi bị phục kích bởi lực lượng Ukraine.
“Có một cuộc giao tranh. Tôi thậm chí còn không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng cảm thấy nhói một phát bên sườn. Tôi không bất tỉnh và tiếp tục di chuyển. Tôi không biết bên trong mình là gì”, Pasenko nói.
Các bác sĩ cho biết viên đạn chưa phát nổ đã đâm qua xương sườn và phổi của Pasenko, nằm ở cột sống giữa động mạch chủ và tĩnh mạch chủ dưới gần tim.
Bác sĩ Dmitry Kim, người chỉ đạo cuộc phẫu thuật, giải thích rằng ngay cả khi đạn không phát nổ, vẫn có nguy cơ chấn thương của Pasenko dẫn đến chảy máu trong gây tử vong. Đó là lý do vì sao nhóm bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật tại phòng khám địa phương thay vì cố gắng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác.
Bác sĩ Kim lưu ý rằng nguy cơ đạn phát nổ là rất cao, và chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến thảm họa chết người. Vì vậy, nhóm bác sĩ đã quyết định mặc áo chống đạn bên ngoài áo blouse để đề phòng nguy cơ chấn thương.
“Mọi người đã được cảnh báo về khả năng viên đạn phát nổ, nhưng không ai từ chối tham gia phẫu thuật”, bác sĩ Kim nói. “Tất cả chúng tôi đều chấp nhận rủi ro.”
Cuối cùng, khi viên đạn được gắp ra khỏi cơ thể Pasenko và đặt vào một xô cát, các bác sĩ mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Pasenko hiện đã được chuyển đến một bệnh viện quân sự ở Mátxcơva và dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn.
Ban đầu, Pasenko phản đối việc để các bác sĩ phẫu thuật cho mình vì không muốn các nhân viên y tế gặp nguy hiểm.
“Nhưng bác sĩ Kim nói: Vậy thì chúng ta sẽ phát nổ cùng nhau. Sau đó các bác sĩ mặc áo chống đạn và làm mọi việc một cách cẩn thận. Bây giờ, như bạn có thể thấy, tôi đang ngồi đây”, Pasenko kể lại.