Nga bắt đầu tập trận rầm rộ ở Belarus, Anh hối hả xúc tiến ngoại giao

Ngày 10/2, Nga bắt đầu giai đoạn tích cực trong chương trình tập trận chung ở Belarus, trong khi Anh xúc tiến giai đoạn ngoại giao mới nhằm chuyển thông điệp đến Mátxcơva.

Một lính Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov của Nga hôm 3/2. (Ảnh: Reuters)

Một lính Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov của Nga hôm 3/2. (Ảnh: Reuters)

Giới chức Mỹ cáo buộc Nga làm gia tăng căng thẳng với đợt tập trận chung ở Belarus. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng đây là đợt huy động lực lượng lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Nga phủ nhận cáo buộc lên kế hoạch tấn công, nói rằng họ có quyền di chuyển binh lính đến bất kỳ nơi nào trong biên giới của mình và sang các nước đồng minh nếu họ đồng ý. Mátxcơva khẳng định các cuộc tập trận của họ mang tính chất tự vệ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước nói rằng Nga dự kiến sẽ đưa 30.000 quân sang Belarus cùng với lực lượng đặc biệt Spetsnaz, các máy bay chiến đấu SU-35, hệ thống phòng không S-400 và tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander.

Trong khi đó, Ukraine triển khai đợt tập trận của riêng mình từ ngày 10-20/2.

Binh lính Ukraine, với số lượng không được tiết lộ, sẽ sử dụng máy bay không người lái Bayraktar, tên lửa chống tăng Javelin và NLAW mà các đối tác nước ngoài cung cấp. Kiev dự kiến sẽ tiếp nhận thêm viện trợ quân sự từ Mỹ trong ngày 10/2.

Tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo Mátxcơva chớ tấn công Ukraine.

“Về cơ bản, một cuộc chiến ở Ukraine sẽ trở thành thảm họa với Nga, Ukraine và đối với an ninh của châu Âu, và NATO đã khẳng định rõ ràng rằng bất kỳ sự xâm phạm nào vào Ukraine sẽ vấp phải hậu quả nghiêm trọng và tổn thất to lớn”, bà Truss nói.

Ngoại trưởng Nga khẳng định Mátxcơva sẵn sàng cải thiện quan hệ với Anh.

“Tất nhiên chúng ta có thể bình thường hóa quan hệ thông qua đối thoại tôn trọng lẫn nhau. Những cách tiếp cận về ý thức hệ, tối hậu thư, đe dọa, những bài giảng đạo đức sẽ không dẫn đến đâu”, ông Lavrov nói.

London hy vọng chuyến thăm trụ sở NATO của Thủ tướng Boris Johnson sẽ gửi đi thông điệp về sự đoàn kết của châu Âu khi Mátxcơva muốn liên minh này bảo đảm sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine.

Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva đầu tuần này, một số chuyên gia cho rằng có dấu hiệu nhà lãnh đạo Nga muốn tránh đẩy căng thẳng với Ukraine thành một cuộc xung đột quân sự.

Đặc phái viên Điện Kremlin về Ukraine, ông Dmitry Kozak, dự kiến sắp có cuộc gặp các quan chức Ukraine, Đức và Pháp tại Berlin để bàn về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng cuộc đàm phán lần này rất quan trọng và ông hy vọng Nhóm liên lạc ba bên sẽ khôi phục hoạt động. Nhóm này gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng việc các bên đồng ý tổ chức cuộc gặp lần này sẽ là một tín hiệu tích cực.

Sáu tàu chiến của Nga đã cập cảng Sevastopol ở Crimea, nơi mà Nga đã sáp nhập vào lãnh thổ của mình từ năm 1014. Nhóm tàu chiến này sẽ củng cố lực lượng của Nga trên Biển Đen để chuẩn bị cho cuộc tập trận trên biển theo kế hoạch sắp tới, các quan chức Nga cho biết.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nga-bat-dau-tap-tran-ram-ro-o-belarus-anh-hoi-ha-xuc-tien-ngoai-giao-post1415303.tpo