Hơn 20 máy bay ném bom chiến lược của Nga đã được phát hiện tập trung tại căn cứ không quân Engels điều này khiến Ukraine lo ngại rằng một cuộc tấn công lớn chuẩn bị được phát động.
Các vệ tinh trinh sát nước ngoài đã nhận ra sự có mặt của hơn 20 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95, chúng được tìm thấy tại căn cứ không quân Nga mang tên Engels.
Hình ảnh vệ tinh tương ứng - theo ImageSat International, được công bố vào ngày 12/3/2022. Đồng thời trong phần bình luận, nhà cung cấp cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình bố trí lực lượng của Không quân Nga tại đây.
Đánh giá bằng hình ảnh vệ tinh được giới thiệu về căn cứ không quân Engels, có thể nhận ra ít nhất 9 máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 và khoảng 19 oanh tạc cơ cánh quạt Tu-95 đã được đặt trong khuôn viên sân bay quân sự này.
Số lượng như trên chiếm khoảng 30% tổng số máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa đang có trong thành phần tác chiến của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga, điều này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ báo chí.
Hiện tại căn cứ không quân Engels còn có máy bay ném bom chiến lược hay không. Đồng thời, lý do cụ thể cho sự hiện diện của một số lượng lớn phương tiện tác chiến hạng nặng như vậy của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga vẫn chưa được biết rõ.
Một số giả thiết đã được đặt ra đó là hàng không chiến lược có thể được sử dụng để tấn công các cơ sở quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine, tuy nhiên thông tin này hiện chưa nhận được các tuyên bố liên quan từ các bên.
Mặc dù vậy giả thiết trên là hoàn toàn có cơ sở, khi trong những ngày gần đây Nga đang tích cực sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine nằm ở phía Tây đất nước.
Vũ khí được sử dụng trong những vụ oanh kích như vậy được xác định phần lớn là tên lửa hành trình tầm xa Kh-101, đây chính là loại đạn được tối ưu hóa cho khoang vũ khí của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95.
Khi thực hiện nhiệm vụ, các oanh tạc cơ này thậm chí chỉ cần cất cánh, lượn một vòng trên không là đã có thể phóng tên lửa do Kh-101 có tầm bắn rất lớn, sau đó chúng lại hạ cánh, tái nạp vũ khí rồi tiếp tục công kích.
Tầm xa của tên lửa hành trình Kh-101 giúp máy bay mang chúng không phải đối diện nguy hiểm từ tên lửa phòng không đối phương, đây là yếu tố rất cần được nhắc tới khi Ukraine vẫn còn trong trang bị nhiều tổ hợp S-300 lợi hại.
Nga chắc chắn không thể quên cuộc chiến Gruzia năm 2008, khi đó tên lửa phòng không Buk-M1 của Ukraine đã bắn hạ máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-22M3 của họ, khiến lần này có vẻ như Moskva quyết tâm không để lặp lại tình trạng trên.
Nhưng có một vấn đề gây thắc mắc đó là số tên lửa Kh-101 của Nga hiện tại vẫn chưa nhiều, nếu dùng với tần suất dày đặc thì rất dễ rơi vào tình trạng cạn kiệt như Kalibr của hải quân.
Khi đó liệu Nga có sử dụng các máy bay ném bom chiến lược của mình một cách mạo hiểm hơn đó là bắn tên lửa tầm ngắn, hay thậm chí là mang bom oanh tạc mục tiêu mặt đất là câu hỏi cần được giải đáp trong tương lai.
Bạch Dương