"Tàu ngầm chiến lược Vladimir Monomakh đã phóng loạt 4 tên lửa đạn đạo Bulava trong đợt diễn tập chiến đấu theo kế hoạch. Dữ liệu cho thấy các đầu đạn đều đánh trúng mục tiêu ở thao trường Chizha", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết hôm qua.
Cả 4 quả đạn đều được phóng khi tàu ngầm đang lặn ở biển Okhotsk. "Thủy thủ đoàn đã thể hiện trình độ chuyên môn cao khi thực hiện đợt phóng tên lửa", thông cáo có đoạn viết.
Trong video do quân đội Nga công bố, tàu ngầm Vladimir Monomakh rời cảng vào ban ngày để chuẩn bị cho cuộc phóng tên lửa trong đêm.
4 quả đạn Bulava được khai hỏa với giãn cách chỉ vài giây, lao khỏi mặt biển nhờ tầng đẩy sơ tốc, trước khi động cơ chính kích hoạt và tên lửa bắt đầu lấy độ cao.
Vladimir Monomakh là tàu ngầm thứ ba thuộc Đề án 955 "Borei". Tàu dài 170 m, rộng 13,5 m và có lượng giãn nước 24.000 tấn, tốc độ tối đa khi lặn đạt tới 56 km/h, tầm hoạt động không giới hạn.
Dự trữ nhu yếu phẩm của Vladimir Monomakh cho phép nó hoạt động liên tục hơn một năm mà không cần tiếp tế.
Vũ khí chính của Vladimir Monomakh là 16-30 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RSM-56 Bulava.
Tên lửa Bulava (tiếng Nga: Булава, nghĩa là "cái chùy") là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đang được phát triển để trang bị cho Hải quân Nga.
Tên lửa này được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Công nghệ Nhiệt Moskva. Đây là nơi cho ra đời nhiều loại tên lửa hạt nhân đáng sợ nhất thế giới.
Bulava mang tên báo cáo của NATO SS-NX-30 và đã được chỉ định chỉ số Grau 3M30.
Bulava được thiết kế từ cuối thập kỷ 1990 để thay thế SLBM sử dụng nhiên liệu rắn R-39 Rif.
Trong các hòa ước quốc tế, tên thông dụng RS-56 Bulava được sử dụng để định danh tên lửa này.
Hiện nay loại tên lửa này được định hình là vũ khí tiêu chuẩn trên siêu tàu ngầm hạt nhân mới nhất lớp Borey của Nga.
Nga gần đây liên tiếp tổ chức tập trận bắn đạn thật với nhiều loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa. Tổng thống Vladimir Putin hôm 9-12 chỉ huy đợt tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược, trong đó huy động nhiều oanh tạc cơ Tu-95MS và Tu-160, tàu ngầm hạt nhân Karelia và hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars.
Hoạt động diễn ra trong bối cảnh Mỹ từ chối gia hạn Hiệp ước Giảm vũ khí tấn công Chiến lược mới (New START) dự kiến hết hạn tháng 2-2021.
Thỏa thuận được Moscow và Washington ký năm 2010, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
Washington sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào với Moscow nếu từ bỏ New START.
Tổng thống Putin hồi tháng 10 đề xuất hai nước gia hạn New START trong ít nhất một năm mà không kèm điều kiện, nhưng Mỹ bác bỏ.
Hai nước cũng bất đồng trong các điều khoản gia hạn hiệp ước, dù đã trải qua nhiều tháng đàm phán.
Việt Hùng