Nga bất ngờ tuyên bố 'sẵn sàng cung cấp siêu động cơ' cho tiêm kích thế hệ 5 Ấn Độ
Như đã biết, New Delhi đã đặt ra một nhiệm vụ đầy tham vọng cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, đó là chế tạo ra chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mang tên AMCA nhằm khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Tiêm kích AMCA theo nhận xét cần có siêu động cơ để có thể sớm tung cánh trên bầu trời, và 'sản phẩm 177S' của Nga bất ngờ nổi lên là một ứng viên.

Nga đã đưa ra ý tưởng cùng phát triển một phiên bản cải tiến của động cơ "sản phẩm 177S", hay còn gọi là Izdeliye 177S với vòi phun phẳng để trang bị cho tiêm kích tàng hình AMCA.

"Đề xuất của Nga sẽ cho phép tiêm kích AMCA tăng cường năng lực chiến đấu bằng các công nghệ tiên tiến nhất" tờ báo địa phương IDRW đưa ra nhận xét.

Theo nhà phát triển, “sản phẩm 177S” là động cơ thế hệ thứ 5 chứa các thành phần từ "sản phẩm 30 - Izdeliye 30" cải tiến, hay còn gọi là AL-51, đang được phát triển cho tiêm kích tàng hình Su-57 Felon của Nga.

"Động cơ tiên tiến này sẽ biến tiêm kích AMCA trở thành đối thủ đáng gờm trong những tình huống không chiến hiện đại nếu Ấn Độ thực sự mong muốn", tác giả bài viết tin tưởng.

Một thành phần quan trọng của chương trình AMCA là động cơ, khi nhận yêu cầu phải cân bằng được lực đẩy, khả năng tàng hình và hiệu suất tiêu thụ. Hiện tại các nguyên mẫu AMCA đầu tiên (AMCA Mark 1) dự kiến sẽ trang bị động cơ General Electric F414 (lực đẩy 98 kN).

Tuy vậy Không quân Ấn Độ từ lâu đã tìm kiếm một động cơ mạnh hơn do chính họ phát triển, hoặc hợp tác với nước ngoài, có lực đẩy trong khoảng 110 - 130 kN cho phiên bản AMCA Mark 2, giúp máy bay đạt tốc độ hành trình siêu âm và hiệu suất nhiên liệu được cải thiện.

"Với lực đẩy lên đến 142 kN đi kèm chế độ đốt tăng lực nhằm tối ưu hóa khả năng tàng hình, động cơ Izdeliye 177S của Nga là một lựa chọn rất hấp dẫn", tác giả bài phân tích tin tưởng.

Nếu động cơ Sản phẩm 177S được trang bị vòi phun phẳng như trên F-22 Raptor sẽ có tác dụng làm giảm diện tích phản xạ radar (RCS) của máy bay và hạn chế tín hiệu hồng ngoại bằng cách thay đổi các đặc tính của luồng khí thải.

Bí quyết công nghệ nằm ở thiết kế hai chiều tản nhiệt hiệu quả hơn và căn chỉnh luồng khí thải từ động cơ với thân máy bay, giúp giảm thiểu khả năng bị cảm biến của đối phương phát hiện.

"Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng đề xuất của Moskva cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi Sản phẩm 177S vẫn chưa được thử nghiệm đầy đủ và thiếu độ tin cậy cần thiết", tờ báo Ấn Độ nêu rõ.

Giới chức quân sự Ấn Độ lo ngại chậm trễ tiềm tàng trong quá trình phát triển động cơ có thể làm gián đoạn chương trình AMCA, vốn đang đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2032 - 2035.

Bên cạnh đó nếu lựa chọn động cơ Sản phẩm 177S sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Ấn Độ vào công nghệ Nga, tại thời điểm mà đa dạng hóa là ưu tiên hàng đầu của New Delhi: "Rõ ràng đối với Ấn Độ, rủi ro là rất lớn", ấn phẩm IDRW nhấn mạnh.

Vòi phun phẳng trên động cơ Sản phẩm 177S theo nhận xét có thể cải thiện khả năng tàng hình của AMCA, đây là một lợi thế quan trọng so với các đối thủ như J-20 và J-36 của Trung Quốc.

Trong lúc này công ty Safran của Pháp cũng đề xuất phát triển chung động cơ với lực đẩy 110 kN, còn có thể cung cấp công nghệ F-35 nếu Ấn Độ lựa chọn, do vậy New Delhi sẽ phải cân nhắc kỹ mọi đề xuất để tránh bỏ lỡ cơ hội vàng.