Nga - Belarus muốn tái lập một liên minh trong không gian của Liên Xô cũ
Một Nhà nước Liên minh có phần giống với Liên minh Châu Âu trong khu vực các nước thuộc Liên Xô cũ kỳ vọng sẽ hình thành trong tương lai với khởi đầu liên minh Nga – Belarus.
Ngày 4/11, tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Nhà nước tối cao Liên minh, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký văn kiện hội nhập của Quốc gia Liên minh. Văn bản pháp lý phê duyệt 28 chương trình hội nhập được thông qua hồi tháng 9, cũng như các định hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh cho giai đoạn 2021-2023, theo hãng thông tấn Nga Sputnik.
Tổng thống Nga Putin gọi việc ký văn kiện về hội nhập là một bước tiến lớn.
Các chương trình dành cho Nhà nước Liên minh đặt ra vấn đề tích hợp các hệ thống tiền tệ, các nguyên tắc chung về đánh thuế gián thu, các cách tiếp cận thống nhất đối với các vấn đề lương hưu và an sinh xã hội, cuộc chiến chống khủng bố, tiếp cận lẫn nhau trong mua sắm công và các đơn đặt hàng của chính phủ,.. hình thành thị trường dầu khí thống nhất.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã thông qua Học thuyết Quân sự của Quốc gia Liên minh và Khái niệm về chính sách di cư của hai nước.
Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề SNG, Leonid Kalashnikov, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, xác nhận, các quốc gia khác trước đây là thành viên Liên Xô có thể gia nhập Liên minh Nhà nước, do Nga và Belarus thành lập, trong tương lai.
"Để các nước tham gia, liên minh này phải đủ hấp dẫn. Cho đến nay, Liên minh chưa có sự thu hút, nhưng vẫn có phẩm chất hấp dẫn. Đó là không biên giới, khả năng làm việc, học hỏi lẫn nhau không cần bất kỳ giấy phép nào, không phải dịch bằng lái xe sang ngôn ngữ khác. Nếu sức hấp dẫn này tiếp tục tăng lên, sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện một đại nghị viện và các đạo luật phù hợp. Tất cả điều này sẽ dẫn đến thực tế là những nước khác sẽ tham gia", ông Kalashnikov nói.
Năm 1999, Nga và Belarus đã đạt được một thỏa thuận để thành lập một "quốc gia liên minh", nhằm tạo ra một liên bang giống như Liên Xô với một chính phủ, đơn vị tiền tệ, quốc kỳ, hệ thống luật pháp và quân đội, Trong hai thập kỷ qua, nhà nước liên minh chủ yếu nhắm vào hội nhập kinh tế, với những nỗ lực trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm tái lập một liên minh trong không gian của Liên Xô cũ bằng cách ký kết các thỏa thuận liên minh mới.
Thành lập Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một tổ chức liên minh quân sự liên chính phủ do Nga lãnh đạo gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể của các thành viên, được xem là một phần của chiến lược này.
Vào ngày 13/9, hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus đã công bố kế hoạch hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với khẩu hiệu "hai quốc gia, một nền kinh tế".