Nga bí mật bắt tay Mỹ-Israel: Bàn cờ địa chính trị Syria 'hết phần' của Iran?

Dường như Mỹ-Israel-Nga đang tìm cách thành lập một liên minh bí mật để xác định tương lai của Syria và không có khả năng Chính phủ Syria sẽ miễn cưỡng tiếp tục sự hiện diện và ảnh hưởng của Iran ở nước này trong thời gian dài.

Nga dường như không muốn Iran ở lại Syria.

Nga dường như không muốn Iran ở lại Syria.

Nhiều năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc thế giới đang cạnh tranh để giành quyền bá chủ và xây dựng liên minh ở Trung Đông. Iran và Nga cũng là hai thế lực không nằm ngoài cuộc chơi đó.

Sau gần 10 năm, sự hiện diện của Iran và Moscow ở Syria vẫn tiếp tục. Nhưng tình hình hiện tại đã tạo ra sự khác biệt không hề nhỏ giữa hai quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là liệu Iran và Nga có còn duy trì hợp tác hay thời đại cạnh tranh và xa cách giữa hai đối tác thân thiết ở Syria đã bắt đầu.

Quá khứ và hiện tại

Sự hợp tác nghiêm túc giữa Iran và Nga ở Syria bắt đầu từ năm 2015, khi quân đội Syria thất bại trước phe đối lập và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cận kề bờ vực sụp đổ. Iran đã yêu cầu Nga giúp đỡ.

Nga chính thức can thiệp vào cuộc chiến Syria vào năm 2015, sau chuyến thăm của tướng Qassem Soleimani, cựu chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria trên thực tế là một phần trong nỗ lực của Moscow để trở lại bàn cờ địa chính trị toàn cầu với tư cách là một cường quốc, đồng thời cũng là nỗ lực nhằm củng cố các liên minh đa phương và cân bằng giữa các thế lực trong khu vực.

Sự hiện diện của Iran ở Syria ban đầu chỉ là tư vấn và sau đó là sự hiện diện của lực lượng mặt đất để hỗ trợ chính quyền Syria. Nhưng chừng đó là chưa đủ, để lật ngược thế cờ, Tổng thống Assad cần phải có sự yểm trợ bằng hỏa lực trên không của quân đội Nga.

Sự hiện diện quân sự của Nga sau đó đã giúp loại bỏ các mối đe dọa cho Syria, như chủ nghĩa bá quyền của Mỹ và phong trào khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Mặc dù mối quan hệ Iran-Nga vẫn tốt ở Trung Đông, nhưng Iran đang phần nào phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ an ninh của Nga trước mối đe dọa từ Mỹ. Với các yếu tố như phát triển hạt nhân và tăng cường quân sự, quan hệ giữa hai nước rất quan trọng cho tương lai của Trung Đông.

Cả hai đều có chung quan điểm đối nghịch với chính sách can thiệp và thay đổi chính quyền của phương Tây. Sự hội tụ này được áp dụng đặc biệt trong trường hợp Syria, nơi cả hai nước đều bác bỏ viễn cảnh về sự xuất hiện của một chính quyền mới mà người Nga lo sợ thân phương Tây và người Iran sợ thân Saudi Arabia.

Nhưng một trong những vấn đề tranh cãi giữa Iran và Nga ở Syria là quan điểm về mối đe dọa của Israel đối với sự hiện diện liên tục của Tehran ở Syria. Israel đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép Iran tiếp tục hiện diện quân sự tại quốc gia hàng xóm.

Chiến đấu cơ của Israel đã nhiều lần bắn tên lửa vào các mục tiêu của lực lượng Iran và dân quân đồng minh ở Syria. Ở phía ngược lại, Nga đã không sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến để bảo vệ đồng minh.

Do đó, đã có sự bất đồng không hề nhỏ giữa hai nước. Iran coi Israel là đối thủ chính của mình trong khu vực, trong khi Nga có quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái nên không có trách nhiệm can thiệp vào công việc nội bộ của người khác.

Iran liên tiếp dính đòn tấn công của Israel ở Syria.

Iran liên tiếp dính đòn tấn công của Israel ở Syria.

Luật chơi của Nga

Câu hỏi bây giờ là Nga đang áp dụng luật chơi nào với Iran: Hợp tác hay cạnh tranh?

Theo cây bút Aref Bijan trên trang Modern Diplomacy, Tổng thống Putin đang tìm cách duy trì các lợi ích kinh tế và quân sự của Nga ở Syria, vì vậy ông dường như đang ngăn Iran tiếp tục có mặt ở Syria.

Trên thực tế, ngay cả chính quyền Tổng thống Assad cũng có xu hướng hợp tác nhiều hơn với Moscow. Dường như, hai nhà lãnh đạo Putin và Assad sẽ cùng đứng về một hướng, trong khi Iran sẽ phải tự mình giải quyết rắc rối của riêng nước này với Israel và Mỹ.

Hơn nữa, các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Iran ở Syria dường như có sự “bật đèn xanh” từ Nga. Quân đội Nga chưa một lần nào sử dụng hệ thống phòng không S-300 trong các cuộc tấn công của Israel.

Nhiều chuyên gia tìn rằng, nếu hệ thống này hoạt động, Israel sẽ không thể thực hiện các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria một cách dễ dàng như vậy.

Trong khi đó, Iran dường như đã không còn quá nhiều tiềm lực để duy trì các chiến lược ở nước ngoài. Trong suốt gần một thập kỷ, Iran đã chi rất nhiều tiền ở Syria và những chi phí này không được hoàn trả. Mặt khác, Iran đang phải đón nhận các lệnh trừng phạt và áp lực tối đa của Mỹ.

Với việc cuộc chiến Syria đến hồi kết thúc, sự hiện diện liên tục của Iran ở Syria trong thời gian dài cũng đã tạo ra sự nhạy cảm đối với một phần của thế giới phương Tây và các quốc gia vùng Vịnh.

Dường như Mỹ-Israel-Nga đang tìm cách thành lập một liên minh bí mật để xác định tương lai của Syria và không có khả năng Chính phủ Syria sẽ miễn cưỡng tiếp tục sự hiện diện và ảnh hưởng của Iran ở nước này trong thời gian dài.

Điều còn lại vẫn phụ thuộc vào quyết định của Nga. Liệu đây có phải là thời điểm kết thúc “tuần trăng mật” của cả hai?

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-bi-mat-bat-tay-my-israel-ban-co-dia-chinh-tri-syria-khong-con-cho-cho-iran-a480093.html