Theo ông Zverev: “Đừng quên rằng tổng hành dinh của Hạm đội Baltic được đặt tại Kaliningrad. Đây là một trong 4 hạm đội của Hải quân Nga. Rõ ràng là nó không cùng quy mô với Hạm đội Phương Bắc hay Thái Bình Dương, nhưng vẫn hoàn thành tốt chức năng của mình".
"Một trong những nhiệm vụ mà Hạm đội Baltic sẽ phải đối mặt trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự là đảm bảo thông tin liên lạc hàng hải giữa Kaliningrad với phần chính của đất nước và bảo vệ khu vực này”, ông Zverev nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, mặc dù thực tế là Hạm đội Baltic không có tàu sân bay hay tàu ngầm hạt nhân, nhưng nó có những vũ khí đáng gờm như tên lửa hành trình Kalibr từng được sử dụng ở Syria.
Theo các nguồn tin mở, những cơ sở quân sự của NATO được bố trí trải dài trên khắp châu Âu đều nằm trong tầm bắn của các tên lửa hành trình lợi hại này.
“Một điểm nữa, Hạm đội Baltic trong trường hợp xảy ra xung đột có thể ngăn NATO tăng cường lực lượng quân sự của mình ở các nước Baltic. Và khi nói về hạm đội ở vùng Kaliningrad, chúng ta không được quên về việc tập hợp quân sự ở đó, bởi Hạm đội Baltic không chỉ có tàu".
"Ví dụ, lực lượng mặt đất là đơn vị tác chiến ven biển, phòng không là một phần của hạm đội và máy bay chiến đấu của hàng không hải quân”, chuyên gia Zverev nói thêm, nhắc lại khả năng đa dạng của Quân đội Nga trong khu vực.
Ông Zverev nhấn mạnh, việc hiện đại hóa căn cứ Hải quân Nga ở Baltic là một phản ứng tương xứng đối với hành động mà các nước NATO đang thực hiện nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của họ trên biển.
Ví dụ vào ngày 27/7, Ba Lan đã ký với các nhà máy đóng tàu của mình hợp đồng quốc phòng lớn nhất trong lịch sử hiện đại để đóng 4 tàu hộ tống quân sự, chuyên gia Zverev nhớ lại.
"Kaliningrad là mũi gươm sắc kề sát NATO, hoạt động như một khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), trong trường hợp xảy ra chiến tranh sẽ ngăn cản NATO tăng cường nhóm tác chiến của họ ở Ba Lan và Baltic, hạn chế khả năng di chuyển của họ", ông Zverev lưu ý.
Ngoài ra nhà phân tích cũng lưu ý rằng tất cả các bước đi quân sự mà Nga đang thực hiện ở vùng lãnh thổ Kaliningrad là nhằm đáp trả những hành động của NATO trong khu vực.
Điều này có nghĩa là nếu NATO không tăng cường lực lượng tác chiến xung quanh khu vực Kaliningrad thì Nga cũng sẽ không cần phải củng cố sức mạnh của mình, ông Zverev nói thêm.
“Việc tập hợp quân sự ở khu vực Kaliningrad so với thời Chiến tranh Lạnh và những năm 1990 đã giảm đi rất nhiều, gần như là mức tối thiểu và không ai kích hoạt lại điều này nếu xe tăng, máy bay, hệ thống phòng thủ tên lửa chưa xuất hiện ở Ba Lan".
“Đầu tiên, người Mỹ tuyên bố tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan, sau đó chúng tôi phải xây dựng các trạm định vị để theo dõi tên lửa của họ”, chuyên gia quân sự Nga kết luận.
Việc hiện đại hóa căn cứ hải quân lớn nhất của Nga ở Kaliningrad sắp kết thúc, sẽ biến nó không chỉ là một tiền đồn, cung cấp mái nhà cho tất cả các loại tàu nổi và tàu ngầm, mà còn là một pháo đài có khả năng bảo vệ nước Nga khỏi các mối đe dọa quân sự.
Việt Dũng