Nga cam kết tạm dừng thử nghiệm hạt nhân

Nga đã tuyên bố tự nguyện tạm dừng các vụ thử hạt nhân vào đầu những năm 1990 và sẽ tiếp tục hành động như vậy nếu các quốc gia hạt nhân khác hành xử tương tự, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin, nói.

Hôm 22/9, phát biểu tại Hội nghị tạo điều kiện cho Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) có hiệu lực, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết, Nga cam kết tạm dừng các vụ thử hạt nhân và sẽ giữ vững quan điểm này nếu các nước khác cũng tuân thủ điều đó.

“Nga đã tuyên bố tự nguyện tạm dừng các vụ thử hạt nhân vào đầu những năm 1990 và đã cam kết thực hiện điều này kể từ đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động như vậy nếu các quốc gia hạt nhân khác hành xử theo cách tương tự.”, ông Vershinin nói.

 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin. Ảnh: Mikhail Metzel/TASS.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin. Ảnh: Mikhail Metzel/TASS.

Nhà ngoại giao Nga lưu ý, nhiệm vụ chính của việc thực thi hiệp ước vẫn chưa được giải quyết. Các biện pháp đơn phương cũng không thể thay thế cho các nghĩa vụ quốc tế theo hiệp ước.

Ông Vershinin nhấn mạnh, Nga chấp nhận tuyên bố cuối cùng của hội nghị, bao gồm danh mục các biện pháp tạo điều kiện cho hiệp ước CTBT có hiệu lực và, Moscow sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy việc thực hiện chúng trên thực tế.

Hiệp ước CTBT, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 24/9/1996, ngăn cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân cho cả mục đích dân sự và quân sự, trong mọi môi trường.

 Quả bom Tsar Bomba được Liên Xô thả ngày 30/10/1961 từ máy bay Tu-95V ở độ cao 10,5km và phát nổ cách mặt đất 4km, tạo ra một cơn địa chấn 5,7 độ richter, bán kính phá hủy 900km. Quả bom tạo ra đám mây hình nấm cao tới 64km, có thể nhìn thấy từ hơn 1.000 km. Nguồn: exclusiveaudio.net.

Quả bom Tsar Bomba được Liên Xô thả ngày 30/10/1961 từ máy bay Tu-95V ở độ cao 10,5km và phát nổ cách mặt đất 4km, tạo ra một cơn địa chấn 5,7 độ richter, bán kính phá hủy 900km. Quả bom tạo ra đám mây hình nấm cao tới 64km, có thể nhìn thấy từ hơn 1.000 km. Nguồn: exclusiveaudio.net.

Hiệp ước đã được 178 quốc gia phê chuẩn, bao gồm Anh, Pháp và Nga, tuy nhiên vẫn chưa có hiệu lực.

Để có hiệu lực, nó cần được phê chuẩn bởi 44 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc có năng lực tiềm tàng sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi 8 quốc gia trong danh sách này không phê chuẩn hiệp ước, gồm Ấn Độ, Triều Tiên, Pakistan, Ai Cập, Israel, Iran, Trung Quốc và Mỹ.

Văn Phong/TASS

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-cam-ket-tam-dung-thu-nghiem-hat-nhan-146201.html