Nga cân nhắc hiệu quả của việc sử dụng tiền điện tử

Báo Độc Lập Nga số ra mới đây có bài viết cho biết Bộ Tài chính Nga đã đề xuất hợp pháp hóa các khoản thanh toán bằng tiền điện tử và hủy quyền kiểm soát đối với việc đưa tiền mặt vào nước này.

Đồng ruble của Nga tại Moskva. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng ruble của Nga tại Moskva. Ảnh: THX/TTXVN

Những nhượng bộ tài chính này sẽ không có tác động đáng kể đến nền kinh tế, nhưng chúng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới đối với các doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Tài chính Nga đã có quan điểm rất cởi mở về việc hợp pháp hóa tiền điện tử. Trưởng phòng Chính sách Tài chính của Bộ Tài chính Ivan Chebeskov cho biết Bộ đang thảo luận về vấn đề này với Ngân hàng trung ương Nga (BoR).

Đầu năm nay, Ngân hàng trung ương Nga đã ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với việc phát hành, khai thác và lưu hành tiền điện tử ở Nga. Quan điểm này đã được ghi nhận trong báo cáo của ngân hàng với đề tài “Tiền điện tử: xu hướng, rủi ro và biện pháp”, được công bố vào cuối tháng Một năm nay.

Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ đã không đồng ý với những lệnh cấm này. Trong những tháng gần đây, Ngân hàng trung ương Nga đã đồng ý cho phép khai thác đồng ruble kỹ thuật số ở Nga

Trước đó, Bộ Tài chính Nga đã xây dựng một dự luật toàn diện về các loại tiền kỹ thuật số. Ông Chebeskov nói: “Về góc độ thanh toán, chúng ta đang tạo cơ chế cho doanh nghiệp hơn là xây dựng hoàn toàn công trình kiến trúc này, vì chưa rõ hoàn toàn nên quy định điều này như thế nào. Do đó, chúng tôi mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội thanh toán bằng tiền điện tử với dự luật này”.

Thủ tướng Mikhail Mitshustin đã chỉ thị cho Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương và các cơ quan hữu quan khác đến cuối năm nay phải thống nhất được quan điểm về các dự thảo luật liên bang quy định việc phát hành và lưu hành tiền kỹ thuật số trên lãnh thổ Nga, như một phần trong các quy định khai thác, cũng như việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch quốc tế. Chỉ thị này được đưa ra sau khi thảo luận về triển vọng phát triển hệ thống tài chính Nga vào ngày 30/8/2022.

Nhưng Bộ Tài chính Nga cho rằng lĩnh vực tiềm năng để sử dụng tiền điện tử không chỉ giới hạn ở các giao dịch ngoại thương. Ông Chebeskov đã nhấn mạnh trước đó: “Hạn chế hiện tại là động lực để chúng tôi sử dụng những công nghệ này, bao gồm cơ chế thanh toán quốc tế mới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đây chỉ là một phần của những gì mà tài sản tài chính kỹ thuật số có thể mang lại”. Theo ông, dự thảo luật hiện tại đã xem xét tới cả cơ sở hạ tầng trong nước để giao dịch tiền kỹ thuật số và các quy định khai thác.

Quang cảnh bên ngoài tòa cao ốc Trung tâm thương mại quốc tế Moskva ở thủ đô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Quang cảnh bên ngoài tòa cao ốc Trung tâm thương mại quốc tế Moskva ở thủ đô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Một biện pháp hỗ trợ tài chính khác được Bộ Tài chính Nga công bố là hủy bỏ tờ khai khi đưa tiền mặt vào Nga. Hiện nay, một tờ khai như vậy là bắt buộc đối với số tiền tương đương 10.000 USD. Và nếu bạn cố gắng đưa ngoại tệ vào Nga thì có thể bị tịch thu.

Các chuyên gia cho rằng việc nới lỏng tài chính do Bộ Tài chính Nga đề xuất là do áp lực trừng phạt. Ông Yaroslav Ostrovski, chuyên viên phòng nghiên cứu chiến lược Total Research, nói: “Sau khi có nhiều gói chế tài, việc thanh toán xuyên quốc gia trở nên rất khó khăn. Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nga, trong quá trình tìm kiếm các giải pháp thay thế để hỗ trợ việc thanh toán thương mại, cuối cùng đã ủng hộ việc hợp pháp hóa các thanh toán xuyên quốc gia bằng tiền điện tử”.

Ông nhắc lại rằng để lưu hành tiền điện tử trong nước, cần có một lượng lớn người tham gia thị trường tiền điện tử - những người sẽ sẵn sàng chấp nhận hoặc trao đổi tiền kỹ thuật số cá nhân. Chuyên gia này dự đoán: “Có thể một cơ cấu trao đổi tiền điện tử nội bộ sẽ được tạo ra, thông qua đó họ sẽ thực hiện quyền kiểm soát”. Tuy nhiên, ông lại không hy vọng hiệu quả kinh tế nhanh chóng từ việc hợp pháp hóa tất cả hoạt động bằng tiền điện tử.

Ông Ostrovsky đề xuất: “Chúng tôi không quá hy vọng về hiệu quả kinh tế của sáng kiến này cho đến khi nhiều vấn đề kỹ thuật được giải quyết, đòi hỏi sự phối hợp và điều phối”. Theo ông Ostrovsky, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng pháp lý là nhằm mục đích đưa vào lưu thông đồng ruble kỹ thuật số của nhà nước, hoặc thậm chí là một đơn vị tiền kỹ thuật số quốc tế.

Trong khi đó, việc tự do hóa đưa tiền mặt vào trong nước cũng sẽ không mang lại hiệu quả đáng chú ý. Hơn nữa, các cơ quan thực thi pháp luật khó có thể đồng ý với các kênh tài chính không được kiểm soát.

Chuyên gia Ostrovsky giải thích: “Có thể, một cơ chế điều khiển sẽ được đưa ra. Các nhà chức trách cần hiểu rõ số lượng dòng tiền đến từ đâu để loại bỏ khả năng hỗ trợ cho các hoạt động chống phá trên lãnh thổ Nga. Việc người dân tăng cường đưa tiền mặt vào Nga sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của đồng ruble, vì tiền mặt sẽ luân chuyển trong tay người dân, bỏ qua cung và cầu trên thị trường chung./.

Quang Vinh (P/v TTXVN tại Moskva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nga-can-nhac-hieu-qua-cua-viec-su-dung-tien-dien-tu/262065.html