Nga cảnh báo 'chiến tranh' nếu NATO dỡ lệnh hạn chế tên lửa tầm xa của Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ nước Nga sẽ bị Moscow coi là sự tham gia trực tiếp của khối này vào cuộc chiến.

Bình luận của Putin được đưa ra khi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và phương Tây ngày càng để ngỏ khả năng dỡ bỏ lệnh hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng các hệ thống vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công sâu vào đất Nga.

"Điều này có nghĩa là các nước NATO - Hoa Kỳ và các nước châu Âu - đang có chiến tranh với Nga" – ông Putin nói với các phóng viên hôm 12/9.

"Và nếu đúng như vậy, thì khi cân nhắc đến sự thay đổi về bản chất của cuộc xung đột, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi sẽ phải đối mặt" – ông Putin nói thêm.

Mặc dù Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách của mình để cho phép các cuộc tấn công xuyên biên giới hạn chế vào Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn chưa cho phép các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa hơn.

Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào bên trong nước Nga có thể làm leo thang xung đột và khiến Nga tiếp tục cáo buộc Mỹ là một phần của cuộc chiến. Một quan chức Hoa Kỳ nói với CNN rằng tình báo nước này phát hiện Nga đã di chuyển một số tài sản ra khỏi tầm với của các vũ khí tấn công tầm xa.

Trong chuyến thăm gần đây tới Kyiv, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra đề xuất mạnh mẽ nhất từ trước đến nay rằng Nhà Trắng vẫn có thể dỡ bỏ các hạn chế theo sự thay đổi chiến lược.

Ảnh vệ tinh cho thấy máy bay quân sự Nga bị phá hủy sau vụ tấn công của Ukraine ở bán đảo Crimea

Ảnh vệ tinh cho thấy máy bay quân sự Nga bị phá hủy sau vụ tấn công của Ukraine ở bán đảo Crimea

"Ngay từ ngày đầu tiên, như các bạn đã nghe tôi nói, chúng tôi đã điều chỉnh và thích nghi khi nhu cầu thay đổi, khi chiến trường thay đổi, và tôi không nghi ngờ gì rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi tình hình thay đổi" - Blinken phát biểu cùng với ngoại trưởng Ukraine - Andrii Sybiha và ngoại trưởng Anh - David Lammy.

Blinken cho biết ông đã thảo luận về các hạn chế với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sẽ báo cáo lại với Tổng thống Biden. Biden đang phải đối mặt với áp lực trong nước từ các nhà lập pháp ở cả hai đảng để nới lỏng các hạn chế khi Ukraine đang phải vật lộn để củng cố các bước tiến trên chiến trường của mình.

Trong khi đó, nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Ukraine đã kêu gọi Biden cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng vũ khí tầm xa. Một nhóm các đảng viên Cộng hòa chủ chốt của Hạ viện cũng đã viết thư cho tổng thống Mỹ vào tuần này trước chuyến đi Ukraine của Blinken, lặp lại lời kêu gọi từ Zelensky về việc dỡ bỏ các hạn chế.

Mỹ lần đầu cung cấp cho Ukraine tên lửa thuộc hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS), có tầm bắn tối đa khoảng 180 dặm (290 km) vào tháng 10/2023. Kyiv từ lâu đã kêu gọi các đồng minh phương Tây cho phép sử dụng các hệ thống vũ khí có thể cung cấp phạm vi tiếp cận xa hơn bên trong lãnh thổ Nga.

Cho đến nay, Ukraine đã sử dụng nguồn cung cấp ATACMS tầm xa hiện có của mình để nhắm vào các tài sản có giá trị cao của Nga ở bán đảo Crimea bao gồm hệ thống phòng không, kho đạn dược và sân bay.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/nga-canh-bao-chien-tranh-neu-nato-do-lenh-han-che-ten-lua-tam-xa-cua-ukraine_167223.html