Nga cảnh báo nguy cơ IS và 'caliphate 2.0' hồi sinh
Điện Kremlin đánh giá mối đe dọa khủng bố từ các khu vực bất ổn như Trung Đông, Afghanistan và châu Phi vẫn là nguy cơ lớn đối với an ninh của Nga.
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti ngày 29/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết tình hình chống khủng bố vẫn rất căng thẳng.
Tại Syria và Iraq, cuộc chiến chống khủng bố còn gặp khó khăn bởi các nhóm cực đoan đang chiếm giữ vùng giảm leo thang Idlib cùng với sự hiện diện của các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda.
Quan chức này nói thêm rằng tại châu Phi, đặc biệt ở vùng Sahara-Sahel, Bộ Ngoại giao Nga cơ bản quan sát thấy sự tồn tại của các điều kiện tiên quyết để nhà nước “caliphate 2.0” hồi sinh ở đó.
Thứ trưởng Syromolotov khẳng định Moskva đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Afghanistan, nơi có nhiều mối đe dọa khủng bố từ IS và những phần tử ủng hộ Al-Qaeda chuyển đến định cư sau khi Kabul rơi vào tay Taliban hồi tháng 8. Ông cảnh báo điều này gây rủi ro an ninh cho Nga và các quốc gia Trung Á. ISIS, Al-Qaeda và Taliban đều bị Moskva coi là các tổ chức khủng bố.
Trước đó, hồi tháng 7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Chiến dịch quân sự mang tên Barkhane do Pháp dẫn đầu chống các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mali sẽ kết thúc vào đầu năm 2022.
Đáp lại, Thủ tướng Mali Choguel Kokalla Maiga cáo buộc Paris đã bỏ rơi quốc gia châu Phi này nhằm phản đối việc Bamako có ý định thuê lính đánh thuê từ tập đoàn Wagner của Nga.
Thông tin về việc Mali liên hệ với lính đánh thuê Nga - từng sự tham gia chống khủng bố ở Syria và châu Phi - đã bị một số quốc gia châu Âu phản đối mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov tiết lộ rằng nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã cảnh báo ông nên tránh xa châu Phi và gọi lục địa này là “địa bàn của châu Âu”.
Quan chức Nga nhấn mạnh điều quan trọng là Moskva và châu Âu phải nỗ lực giúp đỡ khu vực Sahel, thay vì tranh giành ảnh hưởng tại đây.