Nga chạm trán 'biệt đội tự sát' ở Ukraine: Đối thủ này chưa từng biết đến - Rất nguy hiểm?
Switchblade vừa được gửi đến hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch với Nga là một trong những bí mật được giữ kín tốt nhất của quân đội Mỹ.
"Biệt đội tự sát" ít người biết đến?
Mỹ tuần trước đã tiến hành cung cấp 100 bộ Switchblade – loại vũ khí lảng vảng ít người biết đến - cho Ukraine, bên cạnh hàng nghìn tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.
Switchblade - còn được coi là một loại máy bay không người lái tự sát - đã nhận được ít sự chú ý hơn so với hai loại tên lửa trên, nhưng mức độ nguy hiểm được đánh giá là không hề kém cạnh.
Không giống như tên lửa truyền thống lao vào mục tiêu khi khai hỏa, Switchblade khi phóng ra sẽ bay lòng vòng trên chiến trường trong khoảng thời gian tối đa 15 phút, ghi lại hình ảnh khu vực gửi về cho người điều khiển nhằm phát hiện, định vị và xác định mục tiêu ở khoảng cách xa tới 10km.
Sau khi xác nhận đối tượng, người điều khiển ra lệnh tấn công, Switchblade lao vào tiêu diệt mục tiêu bằng sức công phá lớn, có thể hạ gục một nhóm quân hoặc một chiếc xe bán tải.
Không những vậy, Switchblade có thể bay lảng vảng quanh các tuyến phòng thủ hoặc có thể bổ nhào theo chiều thẳng đứng để hạ gục mục tiêu trong chiến hào hoặc "hố cáo", khiến hầu hết các hình thức ẩn nấp trở nên vô dụng.
Mặc dù chỉ bay với tốc độ khoảng 100km/h, các nhà chế tạo vẫn gọi Switchblade là một tên lửa hành trình thu nhỏ. Switchblade đã được chứng minh là rất thành công trong chiến đấu, nhưng vẫn là một trong những bí mật được giữ kín tốt nhất của quân đội Mỹ.
Mặc dù có rất nhiều video về máy bay không người lái Reaper tấn công mục tiêu bằng tên lửa, nhưng công chúng sẽ không tìm thấy được bất cứ thứ gì về Switchblade. Lầu Năm Góc cũng không công khai các chiến dịch trong đó Switchblade được sử dụng.
Switchblade được sản xuất bởi AeroVironment ở California, công ty chuyên sản xuất máy bay không người lái trinh sát chiến thuật của quân đội Mỹ. Nguồn gốc của Switchblade bắt đầu từ năm 2004, khi công ty hướng đến một loại vũ khí chiến đấu trong đô thị, với khả năng cơ động quanh các góc tòa nhà.
Switchblade chỉ được tiết lộ công khai vào năm 2011 khi được sử dụng ở Afghanistan để chống lại "các mục tiêu có giá trị cao".
Kể từ đó, Switchblade dường như đã trở thành vũ khí được ưa chuộng của đặc nhiệm Mỹ và các đơn vị bộ binh, với chi phí rẻ, chỉ khoảng 6.000 USD.
Switchblade được tìm thấy ở Syria vào năm 2015, có thể được quân đội Mỹ sử dụng để hỗ trợ lực lượng người Kurd và được cho là vũ khí dùng để ám sát tướng Qasem Soleimani của Iran vào năm 2020.
Nga gặp đối thủ lớn?
Vào năm 2020, AeroVironment đã đổi tên phiên bản cơ bản thành Switchblade 300 và giới thiệu Switchblade 600, một phiên bản lớn hơn, tầm hoạt động xa hơn, mang đầu đạn lớn để hạ gục xe bọc thép. Hiện vẫn chưa biết phiên bản nào sẽ được chuyển đến Ukraine.
Điều thú vị là Mỹ chỉ cung cấp 100 Switchblade cho Ukraine vào thời điểm này; Đây có thể là một đợt thử nghiệm để xem hiệu quả của vũ khí trong tay Ukraine đến đâu.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết các lô hàng tiếp theo có thể sắp được chuyển giao. Tuy nhiên, có thể Mỹ vẫn thận trọng trong việc chia sẻ một trong những tài sản được đánh giá cao nhất của mình. Trước đây, Switchblade chỉ được xuất khẩu sang Anh, mặc dù đã có nhiều yêu cầu từ các đồng minh khác.
Với những đặc điểm trên, tờ 1945 cho rằng "biệt đội tự sát" Switchblade có thể là cơn ác mộng đối với lực lượng Nga.
Nhưng theo nhận định của Breaking Defense, vấn đề là Ukraine có thể sẽ tiêu tốn 100 chiếc Switchblade đó chỉ trong vài ngày và biến thể của chiếc Switchblade (được cho là 300) mà Washington đang gửi đi không có tác dụng gì đối với bọc thép của Nga.
Mặc dù tỏ ra hiệu quả trong chiến đấu tầm ngắn trong đô thị và phục kích các đoàn xe không bọc thép, Switchblade có tầm bắn hạn chế so với một số vũ khí lảng vảng khác.
So với quy mô chiến sự, 100 Switchblade được gửi đến không thấm vào đâu so với số lượng mà Ukraine cần có.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, trong lúc chờ đợi việc gửi thêm cho Ukraine các vũ khí trong nước sản xuất, Mỹ cũng nên kêu gọi sự giúp đỡ từ các quốc gia khác. Thổ Nhĩ Kỳ vận hành máy bay Kargu-2 đã từng tham chiến ở Libya và Australia sản xuất Drone-40, cả hai đều có thể hữu ích trong môi trường đô thị.
Trong khi đó, Warmate của Ba Lan có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi khoảng 9 km. Khả năng cơ động và phạm vi hoạt động của Warmate khiến nó phù hợp để làm gián đoạn các đoàn vận tải tiếp tế của Nga từ một khoảng cách an toàn.
Đáng chú ý, Israel vận hành một số mẫu vũ khí lảng vảng tiên tiến nhất nhưng cho đến nay vẫn chưa cung cấp cho Ukraine.
Theo các chuyên gia, lô hàng vũ khí của Mỹ có thể được coi là một bước đi tích cực để cân bằng sức mạnh của Ukraine trước Nga, nhưng đó không phải là bước đi cuối cùng.
Người Ukraine sẽ vẫn cần những lô hàng số lượng lớn hơn và nhiều loại vũ khí trang bị hơn nữa.