Nga-châu Âu: Vũ khí hóa khí đốt tự nhiên, liệu gậy ông có đập lưng ông?

Chiến thuật cắt nguồn cung khí đốt với phương Tây của Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến xung đột Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy nỗ lực chuyển sang năng lượng tái tạo của các nước Liên minh châu Âu (EU) và do đó có thể phản tác dụng.

Lễ khởi công một đường ống dẫn khí đốt Nga tại St. Petersburg năm 2010. (Nguồn: The Conversation)

Lễ khởi công một đường ống dẫn khí đốt Nga tại St. Petersburg năm 2010. (Nguồn: The Conversation)

Trong một bài bình luận đăng tải trên The Conversation, tác giả Michael E Webber, Giáo sư về tài nguyên năng lượng tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đã phân tích những được và mất của cả EU và Nga trong "cuộc chiến" năng lượng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.

Khí đốt là một mặt hàng quý, rất cần thiết cho các ngành công nghiệp, sản xuất điện và sưởi ấm các tòa nhà, đặc biệt tại các quốc gia Bắc Âu, nơi mùa đông khắc nghiệt kéo dài. Điều này đồng thời lý giải vì sao nhiều quốc gia châu Âu mặc dù nhập khẩu khí đốt từ nhiều nguồn khác nhau song lại ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga để giữ ấm cho những ngôi nhà, bên cạnh việc phát triển nền kinh tế.

Khi năng lượng trở thành vũ khí

Với tầm quan trọng ngày càng tăng, cách sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí trở nên phổ biến. Năm 1967 và năm 1973, các quốc gia Arab từng ngừng việc xuất khẩu dầu sang Mỹ và các quốc gia phương Tây khác nhằm hỗ trợ Israel trong các cuộc xung đột chống lại các nước láng giềng Trung Đông. Việc cắt đứt nguồn cung là cách làm thiệt hại về mặt kinh tế cho đối thủ đồng thời giành được những nhượng bộ về chính sách.

Ngày nay, lệnh cấm vận dầu mỏ dường như không còn hoạt động như trước. Dầu trở thành loại hàng hóa có thể thay thế được trên thị trường toàn cầu. Nếu một nguồn cung cắt giảm thì các quốc gia nhập khẩu có thể mua thêm dầu từ các nhà cung cấp khác, mặc dù họ có thể phải trả giá "mua nóng" cao hơn so với giá theo hợp đồng dài hạn.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi lượng dầu tiêu thụ hàng ngày trên thế giới được vận chuyển bằng tàu biển đã đạt hơn 60%. Cho dù ở bất kỳ thời điểm nào thì luôn có một đội tàu biển đang trong quá trình vận chuyển dầu thô từ điểm này tới điểm khác trên toàn cầu. Nếu xảy ra sự gián đoạn, các con tàu này có thể thay đổi hành trình mà vẫn đến điểm hẹn chỉ trong vài tuần.

Do đó, rất khó để một quốc gia sản xuất dầu có thể ngăn cản một quốc gia tiêu thụ mua dầu trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, khí đốt tự nhiên được di chuyển chủ yếu bằng đường ống. Chỉ 13% nguồn cung khí đốt trên thế giới được vận chuyển bởi các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Điều này khiến khí đốt trở thành một loại hàng hóa của khu vực hoặc châu lục, giữa người bán và người mua có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Người mua khó có thể tìm được nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế so với các nguồn dầu khác do việc đặt đường ống mới hoặc xây dựng các bến xuất nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng có thể tiêu tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm. Chính vì vậy, sự gián đoạn khí đốt có thể kéo dài trong khoảng thời gian đáng kể.

Thúc đẩy giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga

Sự phụ thuộc của các quốc gia châu Âu vào năng lượng Nga, đặc biệt trong vấn đề về khí đốt tự nhiên, đã làm phức tạp thêm các chính sách đối ngoại của chính những quốc gia này.

Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, sự phụ thuộc quá nhiều của người tiêu dùng châu Âu vào dầu khí Nga trong nhiều thập kỷ vô hình chung đã khiến các chính phủ châu Âu trở nên do dự trước các lệnh trừng phạt Moscow.

Dường như cũng không phải ngẫu nhiên mà Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2, giữa lúc thời tiết lạnh giá cũng như nhu cầu khí đốt của châu Âu gia tăng nhằm sưởi ấm các tòa nhà.

Với mạng lưới khí đốt trải dài qua nhiều quốc gia châu Âu, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria không chỉ ảnh hưởng đến hai quốc gia đó, mà còn tác động tới giá cả leo thang khi áp lực khí đốt trong các đường ống chạy qua các quốc gia này đến các quốc gia khác dần giảm xuống. Sự thiếu hụt cuối cùng sẽ lan sang các quốc gia khu vực "hạ nguồn" như Pháp và Đức.

Nếu người dân châu Âu có thể cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt của họ một cách nhanh chóng thì khi mùa hè đi qua, đồng thời các nhà máy điện khí đốt được thay thế bằng nhiều nguồn khác nhau, họ có thể làm chậm sự khởi phát của "nỗi đau" này. Việc tận dụng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ các bến ven biển cũng dần trở nên hữu ích hơn.

Việc xây dựng các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và điện hạt nhân càng nhanh càng tốt với mục tiêu thay thế các nhà máy điện khí đốt tự nhiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay của EU. (Nguồn: AP)

Việc xây dựng các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và điện hạt nhân càng nhanh càng tốt với mục tiêu thay thế các nhà máy điện khí đốt tự nhiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay của EU. (Nguồn: AP)

Về lâu dài, EU đang nỗ lực hơn nữa nhằm nhanh chóng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà hiện có và nỗ lực lấp đầy các hầm chứa khí đốt trong các mùa thấp điểm - khi nhu cầu khí đốt giảm, đồng thời tăng cường tìm giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch từ nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp hoặc các nguồn hữu cơ tái tạo khác tại địa phương.

Việc tiến hành xây dựng thêm các bến nhập khẩu với mục tiêu đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Canada hoặc các quốc gia khác cũng là một lựa chọn đáng được chú ý.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và điện hạt nhân càng nhanh càng tốt với mục tiêu thay thế các nhà máy điện khí đốt tự nhiên là ưu tiên hàng đầu của EU. Vì vậy, việc thay thế các hệ thống sưởi ấm sử dụng khí đốt tự nhiên bằng các máy bơm nhiệt điện sẽ là giải pháp, qua đó có thể cung cấp điều hòa không khí cho những đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên và gay gắt trong mùa hè tại lục địa già.

Các giải pháp này phù hợp với các mục tiêu khí hậu của EU, đồng thời cho thấy việc cắt giảm khí đốt của Nga cuối cùng có thể thúc đẩy các quốc gia trong liên minh nỗ lực chuyển sang năng lượng tái tạo và sử dụng điện một cách hiệu quả hơn.

Tất cả các sự lựa chọn này đều mang tính hiệu quả, song vẫn cần có nhiều thời gian hơn nữa. Thật không may, châu Âu không có nhiều sự lựa chọn trong quãng thời gian từ nay cho tới mùa đông.

Còn Nga thì sao?

Trong khi sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt chắc chắn sẽ gây tổn hại nặng nề cho người tiêu dùng các nước EU, ở chiều ngược lại điều này cũng gây khó khăn đối với Nga, khi quốc gia này rất cần nguồn tài chính thu được từ việc cung cấp khí đốt.

Tính tới thời điểm hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các quốc gia "không thân thiện" thanh toán năng lượng Nga bằng đồng Ruble với mong muốn thúc đẩy đồng tiền của quốc gia từng có thời điểm mất giá dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, cả Ba Lan và Bulgaria đều từ chối việc thanh toán bằng đồng Ruble.

Việc cắt nguồn cung cấp khí đốt đã đem đến nhiều thiệt hại cho Nga và sẽ còn gây ra nhiều phản ứng dữ dội hơn tại các quốc gia châu Âu.

Với việc sử dụng khí đốt tự nhiên làm vũ khí, Nga có thể linh hoạt hóa cơ chế dầu khí của mình mà không lạm dụng quá nhiều tới ngân sách. Nhưng âu hỏi quan trọng đặt ra tại thời điểm này - đó là liệu châu Âu có cần khí đốt Nga nhiều hơn việc Moscow cần nguồn thu này hay không?

(theo The Conversation)

Thùy Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-chau-au-vu-khi-hoa-khi-dot-tu-nhien-lieu-gay-ong-co-dap-lung-ong-182928.html