Nga chế tạo hệ thống tên lửa mới S-550: Những gì biết đến lúc này
Ông Putin từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao hệ thống phòng không S-350, S-500 và S-550 cho quân đội Nga. Điều này có nghĩa là Nga đã và đang chế tạo một loại vũ khí mới.
Hôm 9-11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề cập những tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự cần thiết cung cấp các hệ thống phòng không S-350, S-500 và S-550 cho quân đội Nga. Điều này có nghĩa là Nga đã và đang phát triển một loại vũ khí hoàn toàn chưa được biết đến và sắp triển khai vũ khí này.
Nga tiết lộ hệ thống S-550
“Các biện pháp để ứng phó thỏa đáng tình hình đầy biến động gần các biên giới Nga đã được xem xét. Sự quan tâm lớn dành cho việc cải thiện hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ của đất nước” – Bộ trưởng Shoigu nói hôm 9-11.
“Người đứng đầu nhà nước (Tổng thống Putin – PV) đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các hệ thống phòng không và chống tên lửa đạn đạn trong nước, cung cấp S-350, S-500 và S-550 cho các lực lượng vũ trang Nga” – ông Shoigu cho biết thêm.
Theo trang Russia Beyond, thông báo của ông Shoigu khiến thế giới bất ngờ. Tuy nhiên, ông Shoigu cũng như nhà sản xuất hệ thống S-550 vẫn chưa tiết lộ bất cứ thông tin nào về hệ thống mới này.
Trước đó hồi tháng 7, quân đội Nga lần đầu tiên công bố video hệ thống S-500 thử nghiệm bắn đạn thật. Đây là hệ thống sẽ thay thế hệ thống S-300 và bổ trợ cho hệ thống S-400.
Với việc hệ thống mới nhất S-500 vẫn đang chờ được đưa vào hoạt động sau các cuộc thử nghiệm thành công thì việc Nga tiếp tục thông báo chế tạo hệ thống mới không khỏi khiến nhiều người bất ngờ kèm theo nhiều đồn đoán khác nhau.
Chuyên gia nói gì về S-550?
S-500 là thế hệ hệ thống phòng không đầu tiên có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh trong không gian. Giới chuyên gia cho rằng hệ thống S-550 sẽ trở thành phiên bản tầm trung của S-500, cụ thể là sẽ rẻ hơn và sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng S-550 là phiên bản có sự khác biệt về các đặc tính chiến đấu bổ sung so với hệ thống S-500 vốn mang tính cơ bản. Hệ thống mới được nâng cấp để đáp ứng các nhiệm vụ cụ thể và khả năng tấn công một loạt mục tiêu.
Hệ thống S-500 Prometey là tổ hợp đánh chặn tầm xa và tầm cao phổ thông, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cũng như các mục tiêu khí động học. Phạm vi sát thương của S-500 là khoảng 600 km. Hệ thống này bắt đầu được bàn giao cho quân đội Nga cách đây vài tháng.
Ông Viktor Murahovsky, Tổng biên tập tạp chí Homeland Arsenal, cho rằng sự khác nhau giữa hệ thống S-500 và S-550 tương tự sự khác nhau giữa S-350 và S-400.
“Chúng ta có thể vạch ra sự tương đồng giữa các hệ thống phòng không S-350 và S-400 vốn được phát triển trong cùng thời gian, nhưng lại được chế tạo cho các nhiệm vụ khác nhau” – ông Murahovsky nói.
S-350 rẻ hơn, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách gần hơn. S-350 được thiết kế để chống lại tên lửa hành trình, máy bay tàng hình có người lái, phương tiện không người lái hạng trung và hạng nặng cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Trong khi đó, S-400 đắt hơn, được trang bị tên lửa có khả năng bắn hạ máy bay trinh sát tầm xa như RC-135, máy bay trinh sát, chỉ thị mục tiêu như E-8, máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không cũng như máy bay ném bom chiến lược ở cự ly ngoài tầm bắn của chúng và các thiết bị mang vũ khí hạt nhân khác, theo ông Murahovsky.
Tương tự, hệ thống S-550 sẽ có giá rẻ hơn, được thiết kế cho tầm ngắn hơn, trong khi S-500 đắt hơn và được thiết kế cho tầm xa hơn và tầm cao hơn.
Theo trang The EurAsian Times, một số chuyên gia cho rằng khi hệ thống S-500 bổ trợ cho hệ thống S-400 thì hệ thống S-550 mới này có thể bổ trợ cho hệ thống S-350.
Dự án S-550 đầu tiên thời Liên Xô
Trước đây, sự tồn tại của một hệ thống phòng không hay phòng thủ tên lửa ở Nga dưới mật danh “S-550” không được biết tới. Dự án duy nhất mang mật danh “S-550” được phát triển trong cuối những năm 1980, vào cuối giai đoạn tồn tại của Liên Xô. Đây được cho là một tổ hợp phòng không di động, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, dự án phát triển hệ thống này đã dừng lại năm 1988, vài năm trước khi Liên Xô tan rã. Chưa rõ dự án này có bất kỳ mối liên hệ nào với hệ thống mới mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhắc tới ở trên hay không.