Nga chế tạo tên lửa đẩy sử dụng nhiều lần giống hệt SpaceX
Nga sẽ chế tạo tên lửa đẩy vũ trụ Amur sử dụng nhiên liệu khí metan có thể tái sử dụng nhiều lần, giống cơ chế hoạt động của tên lửa Falcon của SpaceX.
Thông tấn Nga TASS ngày 5/10 dẫn lời quan chức Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Alexander Bloshenko cho biết Nga đang chế tạo tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiều lần mang tên Amur và sẽ hoàn thành nó vào năm 2024.
"Như kế hoạch đã thông qua, vụ phóng đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2026. Đây sẽ là vụ phóng có tải trọng", quan chức Nga tiết lộ.
Theo lời ông Alexander Bloshenko, hạ tầng cho tên lửa đẩy Amur sẽ được xây dựng tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga. Các vụ phóng với tên lửa đẩy sử dụng một lần hiện được Nga thực hiện phần lớn ở sân bay vũ trụ Baikonur trên lãnh thổ Kazakhstan.
Tổng chi phí cho quá trình phát triển tên lửa Amur vào khoảng 70 tỷ ruble, tương đương 880 triệu USD. Tên lửa có hai tầng, nặng tổng cộng 360 tấn, gồm cả nhiên liệu và tải trọng từ 10,5 đến 12,5 tấn.
Khi đưa vào sử dụng, mỗi nhiệm vụ phóng sẽ có chi phí khoảng 22 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với hiện tại. Để so sánh, Nga hiện là nước duy nhất có thể đưa người lên trạm vũ trụ ISS bằng tên lửa Soyuz. Mỗi ghế trên tàu Soyuz được Nga bán cho Mỹ với giá khoảng 90 triệu USD.
Vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động cụ thể của tên lửa Amur. Hình ảnh do Roscosmos công bố cho thấy nó khá giống tên lửa Falcon của SpaceX và có chân đế hạ cánh để tiếp đất theo phương thẳng đứng sau khi hoàn tất đưa mục tiêu lên không gian.
Năm 2018, một số nguồn tin Nga từng tiết lộ kế hoạch phát triển tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiều lần nhưng có cơ chế hạ cánh theo phương nằm ngang giống như máy bay. Chưa rõ sự liên quan của các kế hoạch này.
Trong diễn biến liên quan, hôm 6/10, tỷ phú người Mỹ Elon Musk, người sáng lập SpaceX ca ngợi quyết định của Nga về việc phát triển tên lửa Amur là "bước đi đúng hướng". "Mục tiêu phải là giảm thiểu chi phí cho mỗi tấn hàng hóa lên quỹ đạo", Musk bình luận.