Nga chi 68 triệu USD 'xẻ thịt' tuần dương hạm hạt nhân lớn nhất thế giới
Tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Lazarev sẽ bắt đầu được tháo dỡ trong năm 2021, với chi phí lên tới 68 triệu USD.
Theo Interfax, tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Lazarev sẽ được Nga mang đi tái chế. Thông tin được đăng tải trên cổng thông tin của chính phủ Nga.
Theo đó, Tập đoàn Rosatom đã ký hợp đồng với nhà máy đóng tàu thứ 30 về việc thanh lý tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Admiral Lazarev, thuộc dự án 1144.1.
Tổng chi phí ước tính khoảng 5 tỷ rúp (gần 68 triệu USD). Tàu tuần dương Đô đốc Lazarev sẽ được chuyển đến địa điểm tháo dỡ vào cuối tháng 8/2021. Dự kiến Nga sẽ hoàn thành việc tái chế con tàu vào tháng 11/2025.
Theo nguồn tin của Interfax, quyết định loại bỏ con tàu được đưa ra sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của chiến hạm này. Việc khôi phục nó sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đóng một số tàu hiện đại.
Tàu tuần dương Đô đốc Lazarev được đóng tại Liên Xô cuối những năm 1970, là một phần của dự án Orlan và được bàn giao cho Hải quân Liên Xô năm 1980. Đô đốc Lazarev là tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất thế giới hiện nay. Với chiều dài 252 m và lượng giãn nước 28.000 tấn, tuần dương hạm hạt nhân của Hải quân Nga chỉ nhỏ thua các tàu sân bay hạng nặng.
Thế hệ tàu chiến này từng là sức mạnh hỏa lực ghê gớm nhất thế giới, giúp Liên Xô và Nga đủ khả năng tiêu diệt ít nhất một hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Vào những năm 1990, tàu tuần dương Đô đốc Lazarev đã bị đóng băng hoạt động. Kể từ thời điểm đó, các kế hoạch hiện đại hóa và thanh lý con tàu đã được xem xét.
Hiện tại, Nga đang thực hiện quá trình hiện đại hóa tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov, thuộc dự án 11442M Orlan. Theo Forbes, sau khi hiện đại hóa xong, Đô đốc Nakhimov sẽ trở thành tàu chiến mặt nước mạnh nhất thế giới.