Nga chiếm ưu thế khi hai đại gia kinh doanh thực phẩm phương Tây rời đi

Vị thế của Nga đối với nguồn cung lương thực toàn cầu đang tăng dần khi hai trong số các đại gia quốc tế lớn nhất cho biết họ sẽ ngừng mua ngũ cốc để xuất khẩu từ nước này.

Sự ra đi của tập đoàn thu mua nông sản Cargill (Mỹ) và Viterra đồng nghĩa với việc Nga, nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các chuyến hàng thực phẩm của mình và thu được nhiều doanh thu hơn.

Ngoài ra, tập đoàn thực phẩm 120 tuổi Archer-Daniels-Midland (Mỹ) cũng đang cân nhắc để từ bỏ các hoạt động chính của mình ở Nga, Louis Dreyfus hiện có hành động tương tự.

Sau chiến sự Nga – Ukraine, sự thống trị của Moscow trên thị trường ngũ cốc toàn cầu đã bị hủy hoại. Trong khi đó, giá cả tăng cao vào năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn.

 Ảnh minh họa: Pexels.

Ảnh minh họa: Pexels.

Đối với Nga, “sau cuộc di cư của các ông lớn ngành kinh doanh nông sản, các công ty địa phương sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển lĩnh vực tiềm năng này,” Andrey Sizov, giám đốc điều hành của nhà nghiên cứu SovEcon cho biết.

Tại sao Cargill và Viterra rời khỏi Nga?

Kể từ tháng 12/2022, Cargill và Viterra đã chịu áp lực phải từ bỏ tài sản của họ ở Nga, khi một loạt nhân vật có ảnh hưởng - bao gồm cả thống đốc các vùng sản xuất ngũ cốc lớn của đất nước - kêu gọi Moscow hạn chế ảnh hưởng của người nước ngoài đối với thị trường thực phẩm của Nga.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu và xuất khẩu ngũ cốc trở thành biểu tượng của sức mạnh địa chính trị. Do đó, các công ty nội địa được chính phủ Nga hậu thuẫn lớn và dần chiếm lĩnh thị phần.

Theo chuyên gia trong ngành, có lẽ các tập đoàn đa quốc gia được khuyến khích rời đi trước tháng 5, khi mùa xuất khẩu lúa mì mới bắt đầu. Hơn nữa, các công ty nước ngoài cũng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi xin giấy phép xuất khẩu ngũ cốc.

Thực tế, trong khoảng 20-30 năm hoạt động tại Nga, họ cũng đã được hưởng lợi lớn từ sự trỗi dậy của Nga trên thị trường toàn cầu. Trong thời kỳ này xuất khẩu lúa mì của Nga đã tăng gấp 5 lần. Giá lùa mì Nga cũng trở thành chỉ số giá cơ bản cho thị trường quốc tế.

Điều này ảnh hưởng gì đến nguồn cung lương thực toàn cầu?

Sự ra đi của Cargill và Viterra tạo động lực cho Nga nắm toàn quyền kiểm soát nguồn cung cấp ngũ cốc.

Nhiều người lo ngại rằng Nga có thể sử dụng xuất khẩu lương thực như một công cụ gây ảnh hưởng địa chính trị. Trong số những người mua ngũ cốc chính của Nga có các quốc gia ở Trung Đông và Châu Phi đã tránh lên án cuộc chiến tại Ukraine.

Matt Ammermann, nhà quản lý rủi ro hàng hóa tại StoneX, cho hay: “Nếu chính phủ Nga tham gia nhiều hơn, điều đó sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn từ góc độ thị trường. “Cho đến khi Nga chứng minh được bản thân, họ vẫn là một nhà cung cấp đáng ngờ, mặc dù mọi thứ sẽ diễn ra như bình thường.”

Bộ nông nghiệp Nga cho biết những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến mức xuất khẩu của xứ bạch dương, tuy nhiên các thương nhân vẫn đang nghi ngờ về cách Nga tác động đến giá cả hoặc điều kiện giao dịch.

Việc vẽ lại thị trường ngũ cốc của Nga cũng khiến việc theo dõi cách thức ngũ cốc từ Ukraine bị chiếm đóng được trộn lẫn với các loại cây trồng của Nga và vận chuyển ra thị trường thế giới trở nên khó khăn hơn

Ngũ cốc của Nga sẽ được xuất khẩu như thế nào?

Trong vụ trước đó, Viterra và Cargill đã vận chuyển khoảng 14% khối lượng ngũ cốc của Nga, do đó, con số xuất khẩu này sẽ không có gì thay đổi. Cargill cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu ngũ cốc có nguồn gốc từ công ty này ở Nga từ tháng 7, nhưng sẽ tiếp tục mua hàng từ các công ty khác.

Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển có thể cảnh giác hơn khi làm việc với các công ty Nga do những rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt. Dù phương Tây chưa cấm thực phẩm, nhưng một số ngân hàng nhà nước tham gia kinh doanh ngũ cốc thì lại khác.

Công ty nhà nước Rosagroleasing của Nga đang đặt mục tiêu đóng hơn 60 tàu chở hàng rời lớn nhất để xuất khẩu ngũ cốc, tuy nhiên sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.

Nông dân Nga có thể sẽ là những người thiệt hại lớn nhất khi các thương nhân quốc tế rút lui. Dan Basse, người sáng lập công ty tư vấn AgResource cho biết, ít thương nhân thu mua hơn sẽ làm giảm sự cạnh tranh đối với ngũ cốc của họ.

Trong khi đó, nhiều người đang thắc mắc với câu hỏi: Liệu giá xuất khẩu của Nga có tiếp tục đóng vai trò là tiêu chuẩn toàn cầu của thương mại lúa mì hay không.

Lê Na (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-chiem-uu-the-khi-hai-dai-gia-kinh-doanh-thuc-pham-phuong-tay-roi-di-post241848.html