Nga chiết khấu bao nhiêu trên mỗi thùng dầu thô bán sang châu Âu?

Giá xuất khẩu dầu thô Urals của Nga ở châu Âu loanh quanh mốc 80 USD/thùng, thấp hơn giá thị trường của dầu Brent khoảng gần 30 USD.

Hãng thông tấn RiaNovosti của Nga hôm nay (21/7) dẫn nguồn tin riêng cho biết, dầu Urals của Nga xuất khẩu sang thị trường châu Âu được chiết khấu khoảng từ 32 đến 35 USD mỗi thùng, nên giá của chúng hiện dao động quanh mốc 80 USD/thùng.

Một trạm chứa dầu cỡ lớn của Nga ở khu vực Vladivostok. Ảnh: Reuters

Một trạm chứa dầu cỡ lớn của Nga ở khu vực Vladivostok. Ảnh: Reuters

Urals là loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga, thường được mua bán với mức giá tương đương, hoặc thấp hơn dầu Brent chỉ một vài USD/thùng trước khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Dầu Brent hiện có giá khoảng 107 USD/ thùng.

Theo Bộ Tài chính Nga, từ ngày 15/6 đến ngày 14/7, giá dầu thô Urals trung bình là 84,4 USD / thùng, giảm 3,5% so với một tháng trước đó. Từ ngày 19/7, giá dầu giảm tiếp tục về mốc 79-82 USD/ thùng, tương ứng với mức giá giảm trên thị trường toàn cầu.

Bộ Kinh tế Nga dự báo, giá trung bình của dầu Urals trong năm 2022 sẽ là 80,1 USD / thùng, và sẽ giảm xuống 61,2 USD vào năm 2025. Các dự báo nói trên có ý nghĩa quan trọng để Nga cân đối lượng dầu khai thác, xuất khẩu, cũng như ước tính nguồn thu ngân sách.

Việc bán dầu với mức chiết khấu cao được Nga thực hiện trong bối cảnh các khách hàng mua dầu của họ đối mặt nhiều khó khăn về hậu cần, thuê tàu và giao dịch bảo hiểm do các lệnh trừng phạt khắt khe mà phương Tây áp đặt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Từ tháng 3, Mỹ, Anh và Canada đã công bố lệnh cấm vận dầu Nga. Cuối tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) ban bố kế hoạch cấm vận dầu thô của Nga qua đường biển vào tháng 12 năm nay và các loại nhiên liệu vào đầu năm 2023.

Khi ban bố các biện pháp trên, phương Tây tự tin chúng sẽ kéo giảm nguồn thu của Nga, đồng thời gây ra một "nỗi đau" có thể buộc Tổng thống Vladimir Putin phải suy nghĩ lại về cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm các nền kinh tế lớn còn lại như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác vẫn mua dầu của Nga và mua nhiều hơn so với giai đoạn trước. Bản thân một số nước châu Âu vẫn tranh thủ tăng mua dầu của Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực, nhưng kín đáo hơn.

Trước bối cảnh giá dầu tăng, nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng, phương Tây, dẫn đầu bởi G7, đang cân nhắc biện pháp mới, đó là áp đặt giá trần với dầu mỏ Nga, tức buộc Nga bán dầu của mình với giá tương đương giá thành sản xuất, rẻ đến mức họ không có thêm khoản lời lãi nào.

Điều này có thể sẽ được thực thi bằng cách áp đặt các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và vận chuyển. Khoảng 95% đội tàu chở dầu toàn cầu được mua bảo hiểm thông qua một tổ chức có trụ sở tại London là Nhóm Câu lạc bộ bảo vệ và bồi thường quốc tế.

Đáp lại động thái trên, Nga cảnh báo họ có thể ngừng cung cấp dầu ra thị trường. "Nếu mức giá trần mà họ nhắc tới thấp hơn giá thành sản xuất thì đương nhiên Nga không thể đảm bảo cung cấp dầu này cho thị trường thế giới. Đơn giản là chúng tôi không làm ăn thua lỗ", Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 20/7 phát biểu.

Thiện Nhân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nga-chiet-khau-bao-nhieu-tren-moi-thung-dau-tho-ban-sang-chau-au--i661182/