Nga chuẩn bị cho nhiều thập kỷ chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, thúc đẩy 'liên minh chống trừng phạt' quốc tế
Nga đã trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ tháng 2/2022, vượt qua cả Iran và Triều Tiên. Bất chấp áp lực, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 4,7% trong nửa đầu năm 2024.
Ngày 16/8, phát biểu tại Hội thảo có tiêu đề "Các lệnh trừng phạt đối với Nga - tiến tới vô tận?”, ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga cho hay các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt đối với Nga sẽ vẫn có hiệu lực trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi có một giải pháp hòa bình ở Ukraine.
Ông Birichevsky nói: "Đây là câu chuyện của nhiều thập kỷ tới. Bất kể diễn biến và kết quả của một giải pháp hòa bình ở Ukraine như thế nào, thì trên thực tế, đó chỉ là một cái cớ”
Hội thảo là một phần của cuộc tranh luận rộng hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh của Nga về việc liệu Moscow có nên nỗ lực để được nới lỏng các lệnh trừng phạt hay chấp nhận chúng như một thực tế lâu dài và học cách giải quyết các vấn đề liên quan trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga sẽ là một trong những điều kiện để đạt được hòa bình của Moscow.
Ông Birichevsky cho biết, các lệnh trừng phạt có một số lợi ích, thúc đẩy Nga phải tái cấu trúc nền kinh tế và sản xuất nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng hơn, các loại hàng hóa vốn trước đây thường được nhập khẩu từ các nước phương Tây.
Về kế hoạch dài hạn, ngay sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ mới (ngày 7/5), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển quốc gia của nước Nga đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036. Trong đó, mục tiêu kinh tế hàng đầu mà Tổng thống Putin đặt ra là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức bình quân của thế giới và đạt vị trí thứ tư thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), xét theo sức mua tương đương (PPP) vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Putin muốn chuyển đổi kinh tế Nga sang nền kinh tế trọng cung. Theo báo Vedomosti, việc chuyển đổi sang nền kinh tế trọng cung cũng đã được Tổng thống Putin công bố lần đầu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg vào tháng 6/2023.
Các điểm chính để chuyển sang nền kinh tế trọng cung gồm tăng khối lượng sản xuất hàng hóa, giảm tỉ trọng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ xuống 17%, tăng thu nhập của hộ gia đình và duy trì mức lương của người lao động không thấp hơn tỉ lệ lạm phát.
Theo Moscow, bốn điều kiện chính để hình thành nền kinh tế trọng cung là tăng năng suất lao động, tăng mức đầu tư vào kinh tế thêm 20% vào năm 2030 so với hiện tại, tăng tốc độ tăng trưởng các sản phẩm phi tài nguyên và phi năng lượng lên ít nhất 2/3 so với khối lượng xuất khẩu hiện tại, cải thiện hành lang hậu cần vận tải quốc tế đối với hàng hóa của Nga.
Ngoài ra, theo ông Dmitry Birichevsky, Moscow đang tham vấn các chiến lược với các quốc gia bị trừng phạt khác như Iran, Triều Tiên và Venezuela, nhằm mục đích tạo ra một liên minh "chống trừng phạt" quốc tế.