Nga có cách khiến lệnh trừng phạt dầu diesel không phải 'đòn chí mạng', châu Âu sắm 'tấm đệm' dự trữ

Lệnh cấm của châu Âu đối với các loại dầu tinh chế như dầu diesel của Nga đã đến một cách dễ dàng vào ngày 5/2.

Châu Âu áp giá trần ở mức 100 USD/thùng đối với dầu diesel của Nga. (Nguồn: DW)

Châu Âu áp giá trần ở mức 100 USD/thùng đối với dầu diesel của Nga. (Nguồn: DW)

Châu Âu có "tấm đệm" dự trữ

Ngày 3/2, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia công bố thỏa thuận mới nhất nhắm vào ngành năng lượng Nga, trong đó áp giá trần 100 USD/thùng đối với dầu diesel của Nga. Các sản phẩm dầu mỏ khác có giá giao dịch thông thường thấp hơn giá dầu thô sẽ được áp giá trần 45 USD thùng.

Mặc dù EU đã "thẳng tay" cắt đứt mối quan hệ với nhà cung cấp dầu lớn nhất, nhưng giá dầu diesel kỳ hạn trong khối đã giảm 1,6% vào ngày 6/2, tương đương mức giảm 20% trong hai tuần qua. Nguyên nhân bởi nhu cầu trong khu vực suy yếu và các quốc gia nỗ lực dự trữ dầu diesel trước lệnh cấm.

Việc giảm giá sẽ được đáp lại bằng sự nhẹ nhõm của hàng triệu tài xế xe tải, tài xế xe taxi... và doanh nghiệp phụ thuộc vào động cơ diesel của khu vực này. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, khoảng 96% xe tải, 91% xe van và 42% xe du lịch ở EU chạy bằng nhiên liệu diesel.

Ông Mark Williams, Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận định: “Theo dự đoán của chúng tôi, khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực, nguồn cung dầu diesel vào châu Âu sẽ thắt chặt. Nhưng trên thực tế, điều đó hiện không thành hiện thực".

Lệnh cấm dầu diesel được đưa ra hai tháng sau khi khối 27 thành viên áp đặt lệnh cấm vận dầu thô nhập khẩu bằng đường biển từ Nga - một phần trong gói trừng phạt chống lại Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Dữ liệu từ Rystad Energy cho thấy, Nga chiếm 29% tổng lượng nhập khẩu dầu diesel của châu Âu vào năm ngoái.

Các nước trong khu vực đã rốt ráo chuẩn bị cho lệnh cấm mới nhất bằng cách tăng cường nhập khẩu dầu diesel của Moscow trong những tháng gần đây.

Nhà cung cấp dữ liệu năng lượng Vortexa cho hay, nhập khẩu của châu Âu đã tăng gần 19% trong quý IV/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Ông Williams cho biết: “Những kho dự trữ đó sẽ hoạt động như một 'tấm đệm' chống lại sự mất mát ngay lập dầu diesel của Nga".

Nhu cầu dầu diesel trên toàn EU cũng đang suy yếu.

Dữ liệu từ OilX, một công ty phân tích dầu cho thấy, nhu cầu dầu diesel ở châu Âu đã giảm từ đầu tháng 11/2022 đến cuối tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà phân tích cho rằng, sự sụt giảm một phần là do thời tiết ấm hơn bình thường trong khu vực, nơi dầu diesel cũng được sử dụng làm nhiên liệu sưởi ấm và giá mặt hàng này tăng cao. Mặc dù đã giảm gần đây, nhưng đến thời điểm hiện tại, giá bán buôn dầu diesel vẫn cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), ngày 30/1, chi phí trung bình của một lít dầu diesel ở EU đạt 1,80 Euro (tương đương 1,93 USD), tăng từ 1,60 Euro (tương đương 1,72 USD) cùng thời điểm năm ngoái.

Ông Neil Crosby, một nhà phân tích cao cấp tại OilX nhận thấy, nhu cầu sử dụng dầu diesel ở châu Âu suy yếu đã giúp khu vực này “tăng đáng kể trữ lượng dầu khí trong vài tháng qua”.

Tuy nhiên, có thể mất vài tháng để tác động đầy đủ của lệnh cấm được cảm nhận, đặc biệt là khi kho dự trữ tại châu Âu cạn dần và các quốc gia trong khu vực bắt đầu nhập khẩu nhiều dầu diesel hơn từ các nhà cung cấp ở xa hơn, làm phát sinh chi phí vận chuyển.

Theo ông Williams, khối này đã nhập khẩu khối lượng dầu diesel cao hơn đáng kể từ Mỹ, Trung Đông và một vài quốc gia tại châu Á.

Ông nói: "Mặc dù vậy, lượng dầu nhập khẩu đó sẽ không đủ để “bù đắp lượng dầu Nga bị thiếu hụt. Giá dầu diesel nhập khẩu có thể bắt đầu tăng từ quý III/2023".

Nga "quay xe" xuất khẩu

Tác động của lệnh cấm đối với Nga cũng có thể không đáng kể.

Moscow đã xoay xở để chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel sang các thị trường khác kể từ tháng 7 năm ngoái.

Theo Rystad Energy, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi đã tăng 154% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Ông Jorge Léon, Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy nhận thấy, xu hướng này sẽ tiếp tục và xuất khẩu của Nga sang Nam Mỹ có thể sẽ duy trì ở mức "biên lợi".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, Mỹ có thể chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu dầu diesel hiện tại từ Nam Mỹ sang châu Âu. Trong khi đó, dầu diesel của Nga lại tìm được "một ngôi nhà mới" ở Nam Mỹ.

Nhà phân tích Crosby cũng lưu ý, Moscow có nhiều khách hàng tiềm năng mua dầu diesel hơn dầu thô.

Ông khẳng định: “Hầu hết các thùng dầu diesel của Nga sẽ chuyển hướng và vẫn được lưu thông trên thị trường toàn cầu".

(theo CNN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-co-cach-khien-lenh-trung-phat-dau-diesel-khong-phai-don-chi-mang-chau-au-sam-tam-dem-du-tru-215735.html