Nga có thể cắt giảm 7% sản lượng dầu, nguy cơ đẩy giá dầu lên cao
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% -7% vào đầu năm 2023.
Ngày 23-12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% -7% vào đầu năm 2023. Đây là phản ứng của Moscow đối với việc phương Tây áp trần giá đối với các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga, theo hãng tin Reuters.
Theo ông Novak, mức cắt giảm có thể lên tới 500.000 - 700.000 thùng mỗi ngày. Ông cũng nói rằng bất chấp những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, thế giới vẫn có nhu cầu mua dầu Nga và Moscow đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn khách hàng.
Ông Novak cho biết sẽ rất khó để đảm bảo sự phát triển kinh tế toàn cầu nếu không có năng lượng từ Nga. Ông cũng dự đoán tình trạng thiếu khí đốt có thể xảy ra ở châu Âu, vốn đưa ra các hạn chế đối với giá khí đốt và dầu mỏ.
Này 5-12, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thuộc Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) và Úc đã công bố mức trần đối với giá dầu ở mức 60 USD/thùng.
"Hôm nay là 60 USD. Ngày mai có thể là bất cứ điều gì và phụ thuộc vào một số quyết định của các quốc gia không thân thiện là điều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi" - ông Novak nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ 22-12 cho biết vào đầu tuần tới, ông sẽ ban hành sắc lệnh để đáp trả việc phương Tây áp giá trần.
Theo ông Novak, sắc lệnh này sẽ cấm bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho các quốc gia và doanh nghiệp tham gia áp dụng mức giá trần.
Ông Novak cũng cho biết sản lượng dầu của Nga trong năm nay tăng lên 535 triệu tấn (10,7 triệu thùng mỗi ngày), từ 524 triệu tấn vào năm 2021, trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên sẽ giảm 20%, xuống còn 671 tỉ mét khối.
Ông cũng hoan nghênh việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) nói rằng giá dầu có thể sẽ duy trì ở mức hiện tại là 70-100 USD/thùng vào năm tới, với điều kiện không xảy ra các sự kiện không thể lường trước.
Theo ông Eli Tesfaye - chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới RJO Futures (Mỹ), nếu Nga cắt nguồn cung, điều này có thể thúc đẩy tình trạng đầu cơ và đẩy giá lên cao.
"Nếu nhu cầu toàn cầu tiếp tục ở tốc độ hiện tại, việc cắt giảm đó có thể có tác động đáng kể và giá dầu có thể ở trong phạm vi 80 USD" - ông dự đoán.
Ngoài ra, trong bối cảnh các cơn bão lớn đang đổ bộ qua một vùng rộng lớn của Mỹ, cả nhu cầu và sản lượng dầu thô có thể sụt giảm trong vài ngày tới. Thời tiết quá khắc nghiệt đã khiến một số nhà máy lọc dầu lớn nhất của Mỹ buộc phải đóng cửa.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo cho biết ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng vào năm tới nếu Nga cắt giảm sản lượng và Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng dịch COVID-19.
“Tuy nhiên, con đường đẩy giá lên cao hơn sẽ gập ghềnh" - ông nhận định.