Nga có thể vỡ nợ nhưng sẽ không gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu

Tổng mức tiếp xúc của các ngân hàng với Nga lên tới khoảng 120 tỷ USD, nhưng 'không liên quan một cách có hệ thống'.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây đã nhận định Nga có thể vỡ nợ sau các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với can thiệp quân sự tại Ukraine, nhưng điều đó sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bà Georgieva chia sẻ qua chương trình Face the Nation của hãng tin CBS rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và những nền dân chủ khác áp đặt đã có tác động "nghiêm trọng" đến nền kinh tế Nga và sẽ châm ngòi một cuộc suy thoái sâu trong năm nay.

Bà cho biết căng thẳng quân sự và lệnh trừng phạt cũng sẽ gây tác động đáng kể đối với các quốc gia láng giềng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Từ đó dẫn đến một làn sóng tị nạn so sánh với làn sóng đã chứng kiến trong Thế chiến thứ hai.

Những biện pháp trừng phạt cũng hạn chế khả năng Nga tiếp cận các nguồn lực và thanh toán nợ. Điều này đồng nghĩa rằng một vụ vỡ nợ không còn được coi là "không thể xảy ra", bà Georgieva nói.

Trả lời câu hỏi về một vụ vỡ nợ như vậy có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn thế giới hay không, vị Giám đốc IMF cho rằng: "Hiện tại thì không". Tổng mức tiếp xúc của các ngân hàng với Nga lên tới khoảng 120 tỷ USD, nhưng "không liên quan một cách có hệ thống".

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố ngày 25/1, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4% năm 2022, giảm 0,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva chia sẽ với hãng CNBC ngày 10/3 rằng IMF có thể sẽ tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu khi tính đến hậu quả kinh tế từ căng thẳng quân sự tại Ukraine. Bà đánh giá tổng thể thì vẫn tăng và tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia như Mỹ, nơi đã nhanh chóng phục hồi từ đại dịch. Tác động nghiêm trọng nhất là sự gia tăng giá hàng hóa và lạm phát, có khả năng gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực ở các vùng tại châu Phi.

Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trả lời phỏng vấn trong Hội nghị Mùa xuân của IMF tại Washington D.C, Mỹ vào ngày 13/4/2021. Ảnh: Xinhua.

Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trả lời phỏng vấn trong Hội nghị Mùa xuân của IMF tại Washington D.C, Mỹ vào ngày 13/4/2021. Ảnh: Xinhua.

Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với hệ thống tài chính và doanh nghiệp Nga kể từ khi nước này bắt đầu can thiệp quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu trên truyền hình hôm 13/3 rằng cho đến nay các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong số 640 tỷ USD mà Moscow có trong kho dự trữ vàng và ngoại hối quốc gia. Theo quan chức này, Nga sẽ hoàn thành các nghĩa vụ nợ nhà nước và sẽ trả cho các chủ nợ bằng đồng Rúp cho đến khi các khoản dự trữ không còn bị đóng băng.

Ông Anton Siluanov tuyên bố: "Chúng tôi sở hữu một phần dự trữ vàng và ngoại hối bằng tiền Trung Quốc - đồng NDT. Chúng tôi biết các nước phương Tây đang gây những áp lực gì lên Trung Quốc nhằm hạn chế thương mại song phương. Tất nhiên bao gồm cả áp lực hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn dự trữ đó".

Ông nhấn mạnh: "Nhưng quan hệ đối tác giữa chúng tôi và Trung Quốc sẽ vẫn giúp chúng tôi duy trì sự hợp tác đã đạt được và thậm chí còn tăng cường trong bối cảnh các thị trường phương Tây đang đóng cửa (với Nga)".

Moscow và Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ hợp tác trong thời gian gần đây. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh vào ngày 4/2 năm nay nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Phạm Hà Thanh (theo Channel News Asia, CNBC, Aljazeera)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-co-the-vo-no-nhung-se-khong-gay-ra-khung-hoang-tai-chinh-toan-cau-a546234.html