Nga có vũ khí mới
Máy bay chiến đấu của Nga đã bắt đầu sử dụng tên lửa tầm xa mới trong các hoạt động ở Ukraine. Vũ khí này được biết đến với tên gọi R-77M.
Sự xuất hiện của tên lửa R-77M (hay còn gọi là K-77M, Izdelie 180) do các chuyên gia phân tích OSINT công bố lần đầu tiên. Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga dường như được trang bị loại vũ khí mới này.
Ngoài ra, một số kênh Telegram của Ukraine cũng công bố hình ảnh cho thấy mảnh vỡ của tên lửa mới được tìm thấy bên trong lãnh thổ nước này.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga được trang bị tên lửa R-73, R-77 và K-77M.
R-77M là phiên bản hiện đại hóa của R-77, được phát triển bởi Cục Thiết kế Vympel của Liên Xô vào những năm 1980.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, R-77 nguyên bản được trang bị đầu dò radar chủ động, có tầm bắn hạn chế từ 70–80 km. Việc phát triển tên lửa này phần lớn đã hoàn tất vào những năm 1990.
Năm 2003, quá trình phát triển phiên bản cải tiến, được định danh là R-77-1, đã được triển khai. Phiên bản này được nâng cấp đầu dò radar mạnh hơn với tầm phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Ngoài ra, thân tên lửa cũng được thiết kế lại để cải thiện hiệu suất khí động học.
Sau đó, R-77M (Izdelie 180) ra đời vào giữa những năm 2010 - một thiết kế toàn diện nhằm tích hợp với các máy bay chiến đấu các thế hệ tiếp.
Phiên bản này đã loại bỏ hoàn toàn các cánh vây dạng lưới, chuyển sang bề mặt khí động học cố định và được trang bị động cơ nhiên liệu rắn chế độ kép mới cho phép tầm bắn xa hơn, lên đến 190 km.
Tên lửa cũng được cho là được trang bị đầu dò mới với radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), cho phép tăng phạm vi phát hiện và cải thiện độ chính xác khi khóa mục tiêu.
Truyền thông Nga nhiều lần đưa tin về quá trình phát triển tên lửa này kể từ đầu những năm 2020. Ngoài tiêm kích tàng hình Su-57, R-77M được cho là tương thích với máy bay chiến đấu Su-35.
Theo Defense Express, với chiến thuật không chiến hiện tại của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, bất kỳ tên lửa không đối không tầm xa nào cũng đều gây ra mối đe dọa đáng kể. Trước đây, mối đe dọa này chủ yếu đến từ tên lửa R-37. Giờ đây, phi công Ukraine có thể phải đối mặt với một đối thủ thậm chí còn cơ động và chính xác hơn là R-77M.
Hơn nữa, sự xuất hiện của một tên lửa mới có đầu dò hiệu quả hơn có thể đòi hỏi Ukraine phải cập nhật hệ thống tác chiến điện tử (EW) của mình, vốn được sử dụng để gây nhầm lẫn hoặc đánh lạc hướng tên lửa đang bay tới.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nga-co-vu-khi-moi-post1764160.tpo