Nga công bố chính sách răn đe hạt nhân mới

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những diễn biến khó lường, Nga đã đưa ra chính sách mới trong lĩnh vực răn đe hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo TASS, ngày 2-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ ngày ký. Với sắc lệnh trên, quân đội Nga sẽ có quyền đáp trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này, cũng như có thể tiến hành cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của đất nước.

 Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về những nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Ảnh: TASS.

Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về những nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Ảnh: TASS.

Chính sách của Nga về răn đe hạt nhân mang tính chất phòng thủ nhằm duy trì tiềm năng của lực lượng hạt nhân ở mức đủ bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân cũng như bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; kiềm chế kẻ thù tấn công Nga và các đồng minh; ngăn chặn leo thang hoạt động quân sự và chấm dứt việc này dựa trên các điều kiện được Nga và các nước đồng minh chấp nhận. "Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ là một biện pháp răn đe, là biện pháp cuối cùng và bắt buộc, đồng thời đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng giữa các quốc gia có thể dẫn đến xung đột quân sự", sắc lệnh nêu rõ.

Chính sách răn đe hạt nhân của Nga được đưa ra nhằm mục đích để các đối thủ nhận thức về sự trả đũa không thể tránh khỏi trong trường hợp gây hấn với Nga và các đồng minh. Ngoài ra, trong chính sách này, Moscow cũng liệt kê các mối đe dọa quân sự như sự hiện diện của vũ khí hạt nhân (VKHN) và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; triển khai VKHN trên lãnh thổ của các quốc gia phi hạt nhân; triển khai lực lượng gần biên giới với Nga. Nga cũng coi việc triển khai các hệ thống tấn công trong không gian là mối đe dọa.

Sắc lệnh về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách răn đe hạt nhân của Nga cũng mô tả chi tiết về 4 tình huống có thể dẫn đến việc sử dụng VKHN. Thứ nhất, nhận được "thông tin đáng tin cậy" cho biết đối phương sắp tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của nước này. Thứ hai, đối phương sử dụng VKHN hoặc những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào Nga hoặc các đồng minh. Thứ ba, đối phương gây hư hại cho các cơ sở quân sự hoặc cơ sở hạ tầng nhà nước quan trọng của Nga, làm gián đoạn năng lực trả đũa của lực lượng hạt nhân. Thứ tư, sử dụng các vũ khí thông thường đe dọa sự sống còn của Nga. Sắc lệnh trên cũng quy định Tổng thống Nga là người đưa ra quyết định sử dụng VKHN. Người đứng đầu nước Nga có thể thông báo cho giới chức quân sự của các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế khác về việc sẵn sàng sử dụng VKHN hoặc thông qua quyết định sử dụng VKHN.

Giám đốc Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Alexander Mikhailov hoan nghênh sắc lệnh mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo ông Alexander Mikhailov, sắc lệnh này mang một thông điệp rõ ràng rằng Moscow có đủ tiềm lực quân sự để đáp lại các cuộc tấn công nhằm vào Nga hoặc các đồng minh của nước này.

Theo AP, Moscow đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Mỹ và các đồng minh điều lực lượng đến vùng Baltic cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường tổ chức tập trận gần biên giới nước này. Chính sách răn đe hạt nhân mới của Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lần lượt từ bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng. Sau sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi tháng 8-2019, cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố sẽ rút nước này khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vốn được coi là một trong những biện pháp xây dựng lòng tin tại châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Động thái của Washington khiến các chuyên gia lo ngại về số phận một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí khác giữa Nga và Mỹ-Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Coi START-3 là công cụ hiệu quả có thể kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang, từ lâu, Nga đã đề nghị Mỹ gia hạn hiệp ước trên và không trì hoãn vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/nga-cong-bo-chinh-sach-ran-de-hat-nhan-moi-619816